2014-02-03 13:34:13

Haiti bốn năm sau ngày động đất


Phỏng vấn bà Maria Vittoria Rava, chủ tịch tổ chức phi chính quyền Rava, về công tác cứu trợ nhân dân Haiti

Bốn năm đã trôi qua kể từ khi Haiti bị động đất, khiến cho 230 ngàn người chết và hơn một triệu người mất hết nhà cửa phải sống cảnh màn trời chiếu đất.

Người dân Haiti lại càng phải khốn khổ hơn vì hai trận bão lớn xảy ra sau đó. Các tai ương này đã đánh gục nền kinh tế vốn đã èo ọt của người dân hòn đảo này và đã gây ra nhiều trận dịch kiết lỵ, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người khác, đặc biệt là các trẻ em.

Thảm cảnh của người dân Haiti xem ra đã bị thế giới lãng quên, nhưng cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục cật vấn lương tâm mọi người.

Như đã biết, lúc 16 giờ 53 phút ngày 12 tháng Giêng năm 2010, một trận động đất mạnh 7 chấm theo thước Richter đã tàn phá đảo Haiti, khiến cho 230 ngàn người thiệt mạng và hơn một triệu người trở thành dân tị nạn với hai bàn tay trắng, vì đã mất mất hết nhà cửa và gia tài sản nghiệp. Thủ đô Port-au-Prince biến thành một đống gạch vụn đổ nát, kể cả dinh tổng tổng thống và các dinh thự của chính quyền cũng sụp đổ. Hàng trăm ngàn xác chết bị kẹt dưới các tòa nhà đổ nát, hay nằm nhiều ngày sau đó trên các đường phố, mà không được ai chôn cất.

Tình hình của các thành phố và làng mạc xa xôi còn thê thảm hơn nữa, vì các toán cứu trợ đã chỉ có thể tới giúp dân chúng nhiều tuần sau đó. Trận động đất đã khiến cho các cầu, đường lộ và hầm bị sập, đất bị lở, khiến cho việc lưu thông hoàn toàn bị gián đoạn. Hai trận bão càn quét Haiti sau đó đã khiến cho tình trạng sống của dân chúng càng thê thảm hơn. Ngoài cảnh nhà cửa bị tàn phá đổ nát, hàng chục ngàn xác chết rải rác khắp nơi, còn có hàng ngàn trẻ em mồ côi lang thang thất thểu vô định trên các đường phố, và hàng ngàn người bị chết vì dịch tả.

Nhân dân Haiti, một quốc gia nghèo nhất thế giới, đã phải đương đầu với một thảm cảnh to lớn vượt qúa mọi sức lực của họ. Một phong trào liên đới quốc tế đã được phát động nhưng đã không thành công trong việc vực dậy một đất nước hoàn toàn kiệt quệ. Và ngày nay, bốn năm đã trôi qua kể từ sau cuộc động đất kinh hoàng ấy, Haiti vẫn là một đống đổ nát hoang tàn và cảnh hỏa ngục vẫn còn đó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Maria Vittoria Rava, chủ tịch tổ chức phi chính qyuyền Rava, về công tác cứu trợ Haiti. Tổ chức Rava đã hiện diện tại Haiti từ 27 năm nay và điều khiển một loạt các dự án trợ giúp phát triển tại đây.

Hỏi: Thưa bà Rava, tình hình tại Hati hiện nay ra sao, có còn khó khăn hay không?

Đáp: Tình hình vẫn luôn luôn rất khó khăn. Cũng rất khó diễn tả bằng lời nói, bởi vì chỉ khi tới Haiti thì người ta mới nhận thức được tình hình của quốc gia xó xỉnh này của trái đất, nơi chỉ có các đống rác, các đổ vỡ và tuyệt vọng.

Không có gì thay đổi, trong nghĩa những người đã mất nhà cửa hiện nay vẫn không có nhà ở: họ sống dưới lều bạt, hay trong các nhà vá víu tạm bợ bằng đủ mọi vật liệu mà họ tìm được... Đã không có việc tái thiết đất nước.

Hỏi: Chúng ta nhớ cuộc tranh đua liên đới quốc tế được phát động ngay sau khi trận động đất xảy ra tại Haiti: Nó có đem lại vài kết qủa nào không thưa bà, hay đã chỉ là các lời hứa suông không được thực hiện?

Đáp: Điều mà tôi có thể nói đó là thí dụ như trong trường hợp của chúng tôi, tất cả những gì lạc quyên được đều đã được sử dụng cho các công tác cứu trợ ngay lập tức, chứ không cần phải đợi nhiều năm. Nó đã mang lại kết qủa, mà mỗi lần qua Haiti đều khiến cho tôi ngạc nhiên. Đã có hàng ngàn trẻ em được giúp đỡ mỗi ngày. Chúng là các trẻ em mồ côi sau trận động đất đã sống lang trang trên các đường phố và không nơi nương tựa, vì cha mẹ và người thân đã chết hết. Nói chung chắc chắn đã có vài cơ quan không hoạt động tốt. Tôi không phải là người có bổn phận nói lên điều này, bởi vì chúng tôi chỉ là một cái ”bàn đạp nhỏ”, nhưng với tất cả số tiền mà người ta đã quyên góp được, chia ra cho mỗi đầu người trong số hàng triệu dân Haiti, thì có thể làm một cài gì nhiều hơn nữa, rất nhiều hơn nữa.

Nhân dân Haiti đáng được hưởng điều đó, vì họ rất muốn vươn lên và làm lại cuộc sống. Khi bạn cho họ một cơ may, một dịp tốt, một công việc, họ biết tận lực và phục hồi. Tôi trông thấy điều này nơi các bạn trẻ, mà tôi biết và chúng tôi theo dõi với các học bổng cấp cho họ. Thật là không thể tin được, và rất cảm động: mỗi khi trở về nhà tôi đều nghĩ: chúng tôi đã làm được qúa ít.

Hỏi: Các việc cấp thiết nhất hiện nay rất tiếc liên quan tới các trẻ em. Tổ chức của bà đã can thiệp một cách cụ thể như thế nào trong lãnh vực này?

Đáp: Các dự án của chúng tôi tập trung vào việc trợ giúp các trẻ em. Lý do cũng là vì các em rất thiếu dinh dưỡng, và đây cũng là lý do khiến cho nhiều em phải chết. Thiếu nước, thiếu vệ sinh, thiếu cả nước trong lành để uống. Chúng tôi có một trung tâm chống bệnh kiết lỵ. Trung tâm này được thành lập sau trận dịch kiết lỵ đầu tiên, mỗi năm tiếp đón 20.000 bệnh nhân và dĩ nhiên là luôn luôn đầy các trẻ em, là những người giòn mỏng yếu đuối nhất và các em là những người đầu tiên phải chết, nếu không được chuyền nước. Và mỗi khi có mưa là bệnh dịch tả lại gia tăng. Thế rồi chúng tôi cũng có nhà thương nhi đồng Thánh Damiano, là nhà thương nhi đồng duy nhất tại Haiti, hằng năm đã săn sóc cho 80.000 trẻ em: có các em được săn sóc trong một ngày, có các em phải nhập viện vì các trường hợp khẩn cấp, có các em khác nữa nhập viện để được giải phẫu, có các em được săn sóc vì bị ung thư. Chúng tôi cũng có một khu vực sản khoa dành cho các bà mẹ và các trẻ em sinh sau khi xảy ra trận động đất, bởi vì vài nhà thương ít ỏi đều đã sụp đổ hết. Vì thế nhà thương thánh Damiano là điểm quy chiếu của toàn nước Haiti. Nhà thương của chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ nhà thương Buzzi ở Milano, Nhà thương Chúa Hài Đồng Roma và nhà thương Di Ponte tỉnh Varese. Các chuyên viên của các nhà thương nói trên đã cộng tác với chúng tôi bằng cách cống hiến cho chúng tôi các khả năng chuyên môn của họ. Đây là một kích thích để thành lập nhiều nhà thương thánh Damiano khác. Thế rồi chúng tôi cũng có các nhà mồ côi tại Kenscoff gần nhà thương thánh Damiano và nhà Trẻ thơ thánh Anna ở Saint Louis, là nơi chúng tôi tiếp đón 2.000 trẻ em vô gia đình, nơi các em được yêu thương săn sóc và giáo dục trong tình yêu và niềm vui. Chúng tôi đã có thể tiếp đón các em nhờ hệ thống nhận nuôi trẻ em mồ côi từ xa, với sự đóng góp tài chánh của rất nhiều các cha mẹ nuôi. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 2013 nhiều cha mẹ nuôi đã chọn tới nghỉ tại nhà này.

Hỏi: Tổ chức Rava không chỉ trợ giúp người dân Haiti, nhưng cũng tạo công ăn việc làm cho 1.600 người nữa, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Vâng đúng thế. Đây là điều đẹp nhất và lần nào cũng khiến cho tôi cảm động. Đây là điều chúng tôi đã thực hiện tại Francisville với ”Thành phố nghề nghiệp”, nơi chúng tôi dậy nghề cho các thanh thiếu niên và là nơi chúng tôi trú ngụ mỗi khi tới Haiti. Nó là một khách sạn nhỏ gọi là ”Biệt thự Francesca”, nơi chúng tôi ngủ nghỉ bằng cách trả mỗi ngày 25 mỹ kim. Tại khách sạn này có các trẻ em bụi đời làm việc như là những nhân viên giúp việc và các em được trả lương. Có rất nhiều kiểu tạo cho các em một công việc làm. Giáng Sinh vừa qua tôi đã ăn trưa với một vài em được một số vị hảo tâm Italia cho học bổng để các em theo học tại đại học. Biết bao nhiêu lần người ta cảm động, vì các trẻ em chiếm đa số tại Haiti, và các em bị chết vì tật bệnh và thiếu dinh dưỡng.

Số trẻ em tử vong rất cao. Và khi bạn được một trẻ em bé bỏng như vậy ôm chặt lấy mình, thì bạn bị chinh phục ngay. Nhưng cả khi bạn có trước mặt một thanh niên 20 tuổi đi nữa, nhìn đôi mắt của họ chất chứa dấu ẩn các câu chuyện không thể tin được. Có khi họ đã mất tất cả gia đình trong trận động đất cách đây bốn năm, nhưng họ vẫn còn có ý chí phấn đấu vươn lên và dấn thân xây dựng. Họ đã ghi danh theo học đại học và thi đậu qua kỳ sát hạch, mà bên Italia các người trẻ có đủ mọi điều kiện thuân lợi trong cuộc sống cũng còn than là khó. Bên Haiti này các kỳ thi sát hạch đó lại còn khó hơn biết bao nhiêu, bởi vì có rất ít chỗ trong ngành Y khoa của đại học Haiti. Nhưng các bạn trẻ này đã muốn thắng vượt các chướng ngại đó và chọn con đường khó. Khi tôi hỏi họ: “Sao? các kỳ thi như thế nào, có khó không? Có vất vả không?” Và bạn có thể tưởng tượng ra hoàn cảnh sống thiếu thốn khó khăn trăm bề của họ. Họ đâu có nhà cửa và ghế salong để ngồi thoải mái nghỉ mệt vào buổi chiều đâu. Thế nhưng họ trả lời: ”Không, không khó, không mệt, không vất vả. Tôi đang theo đuổi giấc mơ của tôi. Từ khi tôi gia nhập đại học, tất cả chỉ là một con đường xuống dốc dễ dàng!”

(RG 12-1-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.