2014-03-17 13:19:14

Tưởng niệm 3 năm ngày ông Shabaz Bhatti bị ám sát


Phỏng vấn ông Paul Bhatti, em trai của cựu bộ trưởng Shabaz Bhatti

Ngày mùng 2-3-2014 là đúng ba năm ông Shahbaz Bhatti, người công giáo, Bộ trưởng đặc trách các nhóm dân thiểu số tại Pakistan bị các tay khủng bố hồi ám sát tại Islamabad. Nhân dip này đã có nhiều thánh lễ và buổi cầu nguyện được tổ chức đó đây trên thế giới.

Tại Roma lúc 16 giờ chiều ngày mùng 2-3-2014 đã có thánh lễ do Hiệp hội tín hữu Kitô Pakistan cùng tổ chức với Liên minh các hiệp hội kitô Pakistan tại nhà thờ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Như qúy vị và các bạn đã biết, ông Shabaz Bhatti người công giáo, thuộc đảng Nhân Dân Pakistan, đã được chỉ định làm Bộ trưởng đặc trách các nhóm dân thiểu số ngày mùng 2 tháng 11 năm 2008. Ông là người đã nỗ lực tranh đấu cho quyền lợi của các nhóm thiểu số, trong đó có các tín hữu kitô. Nhưng các tranh đấu của ông cho công lý, công bằng xã hội và các quyền con người trong đó có quyền tự do tôn giáo, đã khiến cho các nhóm hồi cuồng tín thù ghét, và họ ám sát ông ngày mùng 2 tháng 3 năm 2011 tại Islamabad.

Thật ra trước đó vào năm 2009 ông đã bị đe dọa giết nhiều lần vì đã mạnh mẽ lên tiếng bênh vực các kitô hữu bị tấn kích và bạo hành tại nhiều nơi trong nước. Các lời đe dọa gia tăng, sau khi ông lên tiếng bênh vực bà Asia Bibi, một phụ nữ kitô mù chữ, bị vu khống là đã phạm thượng chống Hồi giáo. Bà đã bị kết án tử hình.

Dù biết trước các nguy hiểm có thể gặp phải, kể cả việc bị ám sát, cựu bộ trưởng Shahbaz Bhatti vẫn can đảm và bình tĩnh chu toàn nhiệm vụ của mình cho tới phút cuối cùng, và cho biết ông sẵn sàng chết cho nhiệm vụ bảo vệ và tranh đấu cho quyền của các nhóm thiểu số tại Pakistan, trong đó có các kitô hữu. Ý thức được các nguy hiểm tới tính mạng ông đã nhiều lần xin chính quyền Pakistan cho người theo bảo vệ ông, nhưng chính quyền đã làm ngơ không trả lời. Sáng ngày mùng 2 tháng 3 năm 2011 khi từ nhà thân mẫu lên xe đi làm, trên đường đi ông đã bị một nhóm người vũ trang bắn xối xả vào người. Người tài xế sống sót, nhưng bộ trưởng Shabaz Bhatti qua đời trên đường chở tới nhà thương. Nhóm hồi khủng bố ”Tehrik-i-Taliban Punjab” đã nhận là tác giả vụ ám sát náy. Cái chết của ông đã khiến cho thế giới rất xúc động và khâm phục. Hiện nay đang có án phong chân phước cho ông.

Các Giám Mục Pakistan đã mạnh mẽ lên án vụ ám sát đã man này. Đức Cha Lawrence Saldanha, Tổng Giám Mục Lahore, tuyên bố rằng: ”Vụ ám sát này là một thí dụ thê thảm hoàn toàn chứng minh cho thấy bầu khí bất khoan nhượng, mà chúng tôi đang phải sống tại Pakistan. Chúng tôi yêu cầu chính phủ, các cơ quan chính quyền và toàn nước thừa nhận điều đó và cương quyết đương đầu với vấn đề này, để chấm dứt các tình trạng như thế, trong đó bạo lực chiến thắng”.

Theo Đức Cha Joseph Coutts, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pakistan, vụ ám sát đã là ”một dấu chỉ của khuynh hướng cực đoan tấn công tất cả những ai dấn thân bảo vệ sự thật, công lý và hòa bình”. Đức Cha Rufin Anthony, Giám Mục giáo phận Islamabad-Rawalpindi, thì khẳng định rằng: ”Ông bộ trưởng đã sống trong đe dọa thường xuyên và chính quyền đã không biết bảo đảm an ninh cho ông một cách thích đáng”. Trong khi tổng thống Pakistan, ông Ali Zardani tuyên bố: ”Vụ ám sát ông Bhatti là hậu qủa của một tâm thức bất khoan nhượng. Chúng ta phải chiến đấu chống lại tâm thức đó và đánh bại các vụ ám sát. Chúng ta không để cho mình nhát sợ, và cũng sẽ không tháo lui”.

Ông Farahnaz Ispahani, phát ngôn viên của tổng thống Pakistan, nói rằng ”vụ ám sát bộ trưởng Bahtti là phần của một chiến dich loại trừ mọi tiếng nói tiến bộ, tự do và nhân bản tại Pakistan. Đã đến lúc chính quyền quốc gia và các chính quyền liên bang lên tiếng rõ ràng và đưa ra lập trường cứng rắn chống lại các vụ ám sát như thế để cứu vãn chính căn tính của đất nước Pakistan.”

Ngày hôm sau chính quyền đã tuyên bố toàn nước để tang 3 ngày và cộng đoàn kitô Pakistan đã tổ chức các buổi tuần hành và đốt nến cầu nguyện trong mọi thành phố toàn nước.

Khi nghe tin vụ ám sát nói trên, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bầy tỏ đau buồn sâu xa, và ”cầu mong vụ ám sát bộ trường Bhatti thức tỉnh trong các lương tâm dấn thân bảo vệ tự do tôn giáo”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Paul Bhatti, em ruột của cựu bộ trưởng Shabaz Bhatti. Ông đã thay thế chỗ của anh mình và được chỉ định làm ”cố vấn đặc biệt” của thủ tướng Pakistan đặc trách các nhóm thiểu số, tiếp tục tranh đấu cho quyền của các nhóm thiểu số bị đàn áp tại Pakistan.

Hỏi: Thưa ông Paul Bhatti, ông là người đã nối gót anh trai dấn thân trong lãnh vực chính trị bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số tại Pakistan. Tình hình tại Pakistan hiện nay ra sao?

Đáp: Anh tôi đã để lại một gia tài khó khăn nhưng rất ý nghĩa. Tình hình tại Pakistan cho thấy hiện tượng chủ trương qúa khích, nạn khủng bố và chủ thuyết cực đoan gia tăng. Từ nhiều năm nay anh tôi đã thấy trước điều đó. Chính vì thế anh ấy đã bắt đầu nói tới cuộc đối thoại liên tôn, và sự hiệp nhất giữa các tôn giáo khác nhau. Một cách đặc biệt anh tôi đã sống rất gần gữi với những người yếu đuối và nghèo túng nhất trong xã hội Pakistan.

Hỏi: Ngày nay ai đã tiếp nhận tư tưởng này của anh ông?

Đáp: Các tư tưởng của anh tôi đã được tiếp nhận, không phải chỉ bởi nhưng người yêu mến anh ấy, những người theo anh ấy, mà bởi cả chính quyền Pakistan và cả các quân nhân nữa. Bây giờ thì người ta đi đến chỗ kết luận rằng phải chống lại khuynh hướng qúa khích và chủ trương cực đoan này, vì nếu không thì sẽ không thể sống còn.

Hỏi: Một trong các mặt trận hoạt động của cựu bộ trưởng là bảo vệ các nhóm thiểu số, và việc áp dụng đúng đắn luật chống phạm thượng. Ông cũng rất dấn thân trên khía cạnh này, khi nối gót cựu bộ trưởng. Vậy tình hình hiện nay ra sao?

Đáp: Tình hình của các nhóm thiểu số một cách trực tiếp tương ứng với tình hình chung của đất nước. Hiện nay đất nước ở trong tình trạng chiến tranh, trong một nghĩa nào đó. Và ưu tiên của chính quyền là tạo dựng một quốc gia hòa bình. Chính quyền thừa nhận sự kiện cần bảo vệ các nhóm thiểu số. Và liên quan tới luật chống phạm thượng này chúng tôi tiến triển khá, ngay cả trên bình diện đồng ý của nhiều vị lãnh đạo và các luật sư hồi giáo có tiếng tăm nữa. Họ đồng ý với chúng tôi. Họ tin rằng việc bảo vệ này không phải chỉ đáng được bảo đảm cho các công dân Pakistan, mà cũng thuộc niềm tin tôn giáo của họ nữa, niềm tin của Hồi giáo. Các nhóm thiểu số phải được bảo vệ trong tất cả mọi nghĩa của từ này. Vì thế có một sự đồng thuận rất tốt và tôi nghĩ rằng năm tới chúng tôi sẽ có thể có các kết qủa khá cụ thể.

Hỏi: Thưa ông Paul Bhatti, chúng ta còn nhớ trường hợp của bà Asia Bibi. Bà đã bị tù từ năm 2009 cho tới nay vì bị vu cáo là phạm thượng và bị kết án tử hình... Người ta đã hoãn lần ra tòa sau cùng lại. Tình hình trường hợp này hiện ra sao?

Đáp: Rõ ràng bà là nạn nhân, cũng như rất nhiều người khác đã là nạn nhân của luật này và của sự kiện luật này phải được áp dụng đúng đắn như thế nào. Thế rồi bà thật là đáng thương, vì bà mù chữ và đã không thể biết Kinh Coran nói những gì. Mới đây chúng tôi đã chú ý lo lắng cho trường hợp này, nhưng không thể lo một cách hoàn toàn, vì nó đến từ các người khác. Cách đây hai tháng gia đình bà, chồng và các con bà đã đến gặp tôi. Tôi đã liên lạc với vài luật sư và vài vị lãnh đạo tôn giáo cũng như nhiều người khác nữa và hiện nay xem ra câu chuyện này sẽ kết thúc tốt đẹp. Chúng tôi lưu tâm tới vụ này.

Hỏi: Trong các tháng này Pakistan đang phải chịu các vụ khủng bố phá hoại. Dân chúng sống ra sao trong tình trạng khủng bố này?

Đáp: Có các tâm tình sợ hãi, buồn sầu và thất vọng. Tuy nhiên đồng thời toàn dân Pakistan muốn rằng triết lý triệt để qúa khích này phải bị loại trừ trong mọi nghĩa của nó. Không có ai muốn chịu đựng một chuyện như thế cả.

Hỏi: Theo ông có thể đánh bại khuynh hướng qúa khích và nạn khủng bố này không?

Đáp: Tôi rất lạc quan, vì thế tôi cho là có thể. Chúng tôi đã hy sinh, chúng tôi đã có các lúc khó khăn, chúng tôi đã hy sinh cả gia đình nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng kết qủa của các hy sinh đó sẽ tới.

Hỏi: Trong một cách thức nào đó ông đã tiếp nhận thách đố của người anh. Đâu là thách đố hiện diện trong lần kỷ niệm ba năm cựu bộ trưởng Shabaz Bhatti bị ám sát?

Đáp: Tạo ra một sự chung sống hòa bình tại Pakistan. Tạo ra một nền công lý xã hội và các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho các tín hữu kitô mà thôi. Cả một người không tín ngưỡng chúng tôi cũng muốn bênh vực họ, bởi vì đó là một quyền nền tảng của mỗi một người tin hay không tin, và vì thế có quyền tuyên xưng tôn giáo, theo xác tín cá nhân của mình. Đó là điều chúng tôi muốn có tại Pakistan. Và cũng chính vì thế tôi đang chiến đấu cho công bằng xã hội, cho các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và cho quyền tự do tôn giáo.

(RG 2-3-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.