2014-10-10 13:16:03

Cái luận lý của tình yêu thương liên đới: càng chia sẻ và cho đi lại càng nhận được (Chúa Nhật 28 A)


Trích thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Philiphê: Thưa anh em, tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải... Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Pl 4,12-14.19-20).

SUY NIỆM

Trong cuộc sống rao truyền Chúa Giêsu Kitô và phổ biến Tin Mừng của Chúa thánh Phaolô đã theo hai nguyên tắc sau đây: thứ nhất là đến các vùng chưa có ai hoạt động truyền giáo, và thứ hai là ”tự lực cánh sinh”, không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai trong cộng đoàn thánh nhân thành lập. Chính ngài đã cho các tín hữu biết hai nguyên tắc này. Trong chương 9 thư thứ I viết cho tín hữu Corintô thánh nhân phản bác các luận điệu xuyên tạc mà các thừa sai giả vu khống cho ngài và các cộng sự viên của ngài. Là người rao giảng Tin Mừng cho tín hữu ngài và các cộng sự viên có quyền được tín hữu chu cấp cho các nhu cầu vật chất, cũng như thợ đáng ăn lương của mình, người trồng nho được quyền ăn trái, người chăn súc vật được uống sữa của chúng, người cầy ruộng và kẻ đạp lúa, cũng như kẻ phục vụ bàn thờ thì được chia phần. Đến bò đạp lúa kia mà còn được quyền không bị bịt mõm để có thể ăn lúa khi đói. Còn thánh nhân và các cộng sự viên gieo của thiêng liêng cho tín hữu, mà nếu có gặt của vật chất, thì cũng là chuyên công bằng thôi. Nhưng thánh Phaolô và các cộng sự viên của ngài không dùng quyền công bằng tự nhiên đó, trái lại, đã chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô. Ngài đã không dùng một quyền nào trong các quyền ấy (1 Cr 9,4-15). Trong thư thứ 2 gửi tín hữu Thêxalônica thánh nhân viết: ”Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước” (2 Tx 3,8-9). Chương 18 sách Công Vụ các Tông Đồ cho chúng ta biết thánh Phaolô đã làm nghề dệt lều đế bán lấy tiền chi dùng cho cuộc sống thường ngày của ngài và các cộng sự viên, trong đó có hai vợ chồng Aquila và Priscilla. Trong ngày sabát thì ngài thảo luận tại hội đường, hay giảng giải Tin Mừng cho người do thái cũng như hy lạp (Cv 18,3-4). Khi từ giã các kỳ mục cộng đoàn Êphêxô, thánh nhân nói: ”Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20,33-34). Như thế để không ai có thể trách cứ được ngài, và có cớ để từ chối lắng nghe ngài loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa.

Tuy nhiên, thánh nhân rất biết ơn các trợ giúp tự nguyện của tín hữu, nhất là trong các thời điểm khó khăn, khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, rồi sau này khi bị truy nã bắt bớ và giam cầm. Trong đoạn thư gửi tín hữu Philiphê mà chúng ta đang suy niệm thánh nhân đã chân thành bầy tỏ lòng biết ơn họ khi viết: ”Chính anh em, những người thành Philiphê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Macedonia, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi; bởi vì ngay khi tôi còn ở Thêxalônica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. Điều tôi tìm kiếm không phải là qùa tặng, mà là những gì sinh hoa kết qủa dồi dào cho anh em. Tôi có đủ mọi thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác. Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Epafroditô. Qùa anh em tặng tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu”.

Ở đây thánh Phaolô cho chúng ta biết hai sự thật khác trong cuộc sống đức tin. Thứ nhất là các trợ giúp mà tín hữu gửi cho ngài giống như hương thơm, như lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Chúa chấp nhận. Những gì tín hữu trợ giúp thánh nhân trong cuộc sống và công tác rao truyền Tin Mừng của ngài là lễ vật họ dâng cho Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa không bao giờ thua con người trong lòng quảng đại, Người sẽ ban cho họ dư dật những gì họ đã hiến dâng cho Người, cho các thợ gặt và cho Giáo Hội Người. Đây là thứ luận lý của tình yêu thương: ”càng cho đi lại càng nhận được”.

Trong tháng 10 là tháng Truyền Giáo, qua thánh Phaolô, Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta nhớ điều đó để khích lệ chúng ta tươi vui quảng đại chia sẻ, đóng góp phần mình vào việc truyền giáo, đóng góp vật chất và tinh thần, nhất là bằng cuộc sống gương mẫu biết tham gia các sinh hoạt và công tác tông đồ bác ái và đóng góp lời cầu nguyện. Đó là những bài thuyết giảng thinh lặng, nhưng có sức mạnh làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Người cũng như lôi kéo người khác đến với Chúa. Sứ điệp cững nhắc nhở chúng ta biết chia sẻ của cải vật chất và tinh thần với các anh chị em thiếu may mắn hơn. Đó là các nạn nhân của chiến tranh xung khắc như các kitô hữu bên Irak, Siria, Gaza, Nigeria, Ấn độ, Pakistan. Đó là các nạn nhân của bệnh tật như các nạn nhân của dịch Ebola bên Phi châu và hằng triệu bệnh nhân và người tàn tật tại các nước nghèo thuộc miền nam bán cầu. Đó là hàng tỷ người nghèo đói trên thế giới, nạn nhân của các đường lối cai trị độc tài, ích kỷ, dốt nát, sai lầm, của hàng lãnh đạo chỉ biết đầu tư tài nguyên quốc gia vào việc mua bán khí giới giết người, nhưng lại chỉ nhỏ giọt cho các chương trình giáo dục, đào tạo, y tế và an sinh cho dân.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.