2014-11-08 09:38:25

Tái thiêng cho Đền Thờ


(Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô; Ga 2, 13-22)

Trích tin mừng Gioan: Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ…và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khi đây, và đng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".
…Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Ngưi Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mi xây đưc đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Ngưi, Ngưi có ý nói đền thờ là thân thể Người.”
SUY NIỆM
Con người thường tôn trọng những nơi thờ phượng dù đó là thánh địa của bất kỳ niềm tin hay tín ngưỡng nào. Bởi lẽ, họ tin rằng đó là nơi trú ngụ của những thế lực thần thánh mà nếu mạo phạm hay bất kính, có nguy cơ họ sẽ bị quở trách và giáng phạt nặng nề. Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta phải giữ gìn sự thánh thiêng cho các ngôi Thánh Đường vì đó là nơi Chúa ngự. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã kêu gọi không chỉ tôn kính Đền Thờ vật chất nhưng còn phải biết trân quý đền thờ sống động của Thiên Chúa là chính mỗi người chúng ta.

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Đức Giêsu lên Đền Thờ để mừng lễ Vượt Qua. Chứng kiến cảnh tượng người ta mua bán lễ vật và đổi chác tiền bạc, Đức Giêsu đã dùng dây thừng bện lại để xua đuổi và đạp đổ hết tất cả. Thật ra việc buôn bán đổi chác là không xấu, nhất là để phục vụ cho công tác dâng cúng của dân chúng trong Đền Thờ. Thế nhưng, những người lãnh đạo tôn giáo và nhiều người khác đã lợi dụng điều này nhằm mưu lợi cho bản thân. Vì thế, cảnh tượng ở Đền thờ chắc là rất chướng tai gai mắt nên Đức Giêsu, người vốn ít khi nổi giận, cũng đã phải kiên quyết và dứt khoát dẹp bỏ hết tất cả.

Đức Giêsu cũng tin tưởng như dân chúng rằng Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự nhưng Ngài lại phủ quyết việc Đền Thờ phải kiêm nhiệm thêm công năng của một trung tâm mua sắm. Dân Do Thái đã đòi Đức Giêsu dấu chỉ chứng tỏ uy quyền cho phép Ngài hành xử như thế. Đức Giêsu đã nói: “Cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 3, 19). Và thánh sử Gioan cho biết: Đức Giêsu không có ý nói về Đền Thờ như tòa nhà được kết cấu bởi gạch đá mà người Do Thái đã phải mất 46 năm mới xây lên được, nhưng Ngài muốn giới thiệu Đền Thờ mới đó “chính là thân thể của Người” (Ga 3, 21).

Cần một Đền thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa vì đền thờ Giêrusalem đã bị giải thiêng. Đền thờ mới ấy chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Đền thờ của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Hơn nữa, khi đang còn bị treo trên thập giá, Đức Giêsu đã bị một tên lính lấy lưỡi đòng đâm thấu con tim. Từ đây, máu và nước đã chảy ra. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn chảy đến đâu sẽ tẩy trừ tội lỗi, tiêu diệt sự chết, tái sinh sự sống đến đó đúng như lời tiên tri Ê-dê-ki-en đã tiên báo về hình ảnh của suối nước chảy ra từ Đền Thờ trong bài đọc một: “Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến” (Ed 47, 9). Chỉ với nguyên vật liệu là Máu và Nước của Chúa Giêsu cộng với ba ngày được an táng trong lòng đất là đủ để Đức Giêsu tái thiết và kiến tạo một Đền Thờ mới, nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa trong chân lý và sự thật. Chỉ nơi thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là nơi để Thiên Chúa cư ngụ.

Nếu như thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là Đền Thờ để Thiên Chúa cư ngụ thì mỗi người chúng ta, nhờ liên hệ với Đức Giêsu Phục Sinh nơi Bí tích Thánh tẩy, cũng trở nên những viên đá sống động góp phần kiến tạo nên Đền Thờ là Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô như lời Thánh Phaolô tông đồ đã nhắn nhủ các tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16). Do đó, ta phải có trách nhiệm để kiến thiết và giữ gìn tâm hồn mình vì “nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy” (1 Cr 3, 17). Nói như thế, chúng ta được mời gọi tránh xa những tội liên quan đến giới răn thứ sáu vì chúng làm ô uế không chỉ thân xác nhưng còn xúc phạm cả đến Đền thờ của Thiên Chúa là tâm hồn mỗi người chúng ta. Hơn nữa, mỗi người phải xây nền đắp móng cho Đền thờ tâm hồn của mình trên đá tảng hay phiến đá góc tường duy nhất là chính Đức Giêsu như lời Thánh Phao lô: “Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô” (1 Cr 3, 11). Thêm vào đó, để Đền thờ là Thân Thể Đức Giêsu được vững chắc và trường tồn, mỗi chúng ta là những viên đá kết cấu nên Đền Thờ ấy, phải liên kết mật thiết với nhau nhờ chất kết dính là tình yêu. Chỉ với chất kết dính là tình yêu, chúng ta mới biết tôn trọng chính mình cũng như tha nhân vì tất cả đều là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ ngôi thánh đường giáo xứ của mỗi người chúng ta luôn trang nghiêm và xứng hợp. Đồng thời, mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ hay cử hành việc thờ phượng, chúng ta luôn luôn phải tự hỏi chính mình. Chúng ta có ý thức mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa không? Là nơi Thiên Chúa ngự, tâm hồn tôi có duy trì được sự thánh thiêng cần thiết cho xứng hợp không? Nếu nhận ra Đền thờ tâm hồn của mình bị ô uế tôi có thường xuyên xin Chúa giúp thanh tẩy qua Bí tích Giải tội không? Chỉ khi chúng ta trả lời có cho tất cả những câu hỏi trên, chúng ta mới xứng đáng là nơi được Thiên Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời” (2 Sb 7, 16).

Jos. Nguyễn Huy Mai








All the contents on this site are copyrighted ©.