2014-11-20 14:29:45

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Lương Nông quốc tế


ROMA. Trong cuộc viếng thăm tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) sáng 20-11-2014, ĐTC kêu gọi các tổ chức quốc tế và các chính quyền đặt con người ở trung tâm mọi nỗ lực và đừng lấy lợi lộc và tiền bạc làm tiêu chuẩn quyết định mọi chính sách của mình.

ĐTC phát biểu tại Hội nghị quốc tế kỳ 2 về dinh dưỡng, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Lương nông quốc tế ở Roma, từ ngày 19 đến 21-11-2014 về đề tài ”Một sự dinh dưỡng tốt hơn, đó là một chất lượng tốt hơn cho cuộc sống”.
FAO là một cơ quan của LHQ và cũng là một tổ chức liên chính phủ được thành lập cách đây 69 năm, ngày 16-10-1945 tại thành phố Québec, Canada, và 6 năm sau, 1951, được di chuyển từ Washington Hoa Kỳ, về Roma. FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.
Sứ mạng của tổ chức FAO là làm việc để bảo đảm cho mọi người trên thế giới có đầy đủ lương thực, được an ninh về lương thực và tiến tới ngày mà không ai còn phải lo lắng vì nạn đói và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, FAO cũng làm việc để ngăn cản sự phá hủy môi sinh nơi chúng ta sinh sống.

Vị Tổng giám đốc của tổ chức FAO hiện nay là Ông Jose Graziano da Silva, 65 tuổi, một nhà canh nông học người Brazil sinh tại Mỹ. Ông đảm nhận chức vụ này từ đầu tháng giêng năm 2012 và là người Mỹ la tinh đầu tiên làm Tổng giám đốc FAO.

Theo ông Tổng Giám đốc tổ chức Fao, José Graziano da Silva, trên thế giới hiện có hơn 840 triệu người suy dinh dưỡng, và tình trạng thiếu ăn như thế là nguyên nhân dân ra khoảng một nửa tất cả những vụ trẻ em chết yểu trước 5 tuổi, tức là mỗi năm có 3 triệu trẻ em chết vì suy dinh dưỡng. Trong cùng thời gian đó, có 500 triệu người trên thế giới bị bệnh mập phì.

GH Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 viếng thăm tổ chức Fao. Vị đầu tiên là Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6 ngày 16-11 năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức quốc tế này. ĐGH Biển Đức 16 đã đến thăm tổ chức Fao hồi tháng 11 năm 2012 nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực.

Diễn văn ca ĐTC

Trong bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC Phanxicô cho biết Giáo Hội luôn quan tâm và ân cần đối với tất cả những gì có liên quan đến an sinh tinh thần và vật chất của con người, nhất là những người sống ngoài lề và bị loại trừ, để mọi người được bảo đảm an ninh và phẩm giả. Ngài cũng nói rằng:

1. Vận mệnh của mỗi quốc gia hơn bao giờ hết đang gắn liền với nhau, như các phần tử của cùng một gia đình, lệ thuộc nhau. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại trong đó các quan hệ giữa các dân nước quá nhiều khi bị hư hỏng vì nghi kỵ lẫn nhau, đôi khi biến thành những hình thức gây hấn chiến tranh và kinh tế, làm thương tổn tình thân hữu giữa anh em, phủ nhận hoặc gạt bỏ những người đã bị loại trừ rồi. Những người thiếu cơm bánh thường nhật và công ăn việc làm xứng đáng biết rõ điều đó. Đó là khung cảnh của thế giới trong đó người ta phải nhìn nhận giới hạn của những xếp đặt dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia, được hiểu như một điều tuyệt đối, và trên những lợi lộc quốc gia, thường bị ảnh hưởng của những nhóm nhỏ nắm quyền lực. Chương trình nghị sự của quí vị giải thích rõ điều đó, một chương trình nhắm đề ra những qui luật mới và những cam kết mạnh mẽ hơn để nuôi sống thế giới. Trong viễn tượng này, tôi hy vọng rằng khi đề ra những cam kết dấn thân như thế, các quốc gia sẽ lấy hứng từ xác tín rằng quyền có lương thực chỉ được bảo đảm nếu chúng ta quan tâm đến chủ thể thực sự của quyền ấy, nghĩa là con người đang chịu những hậu quả của tình trạng đói và suy dinh dưỡng.

Ngày nay, người ta nói nhiều về các quyền, nhưng lại hay quên các nghĩa vụ; có lẽ chúng ta quá ít quan tâm đến những người đang bị đói. Ngoài ra thật là đau lòng khi nhận thấy rằng cuộc chiến chống nạn đói và suy dinh dưỡng bị cản trở vì ”ưu tiên thị trường”, và vì ”việc kiếm lợi nhuận chiếm ưu thế”, biến lương thực thành một thứ hàng hóa nào đó, bị đầu cơ, kể cả về mặt tài chánh. Và trong khi người ta nói về các quyền mới, thì người đói đứng đó ở góc đường, và xin quyền được là công dân, quyền được coi trọng trong thân phận của họ, quyền được lương thực cơ bản lành mạnh. Họ xin chúng ta phẩm giá, chứ không xin của bố thí.

2. Những tiêu chuẩn ấy không thể ở trong bóng tối của lý thuyết. Các cá nhân và các dân tộc đang yêu cầu thực thi công lý; không những công lý về mặt luật pháp, nhưng cả công lý trong việc đóng góp
và phân phối. Vì thế, các kế hoạch phát triển và công việc của các tổ chức quốc tế phải để ý đến ước muốn rất thông thường của người dân, mong được thấy các quyền cơ bản của con người được tôn trọng trong mọi trường hợp, và trong trường hợp chúng ta ở đây, đó là các quyền cơ bản của người bị đói. Khi điều ấy xảy ra, thì cả những can thiệp nhân đạo, những chiến dịch cứu trợ và phát triển khẩn cấp, sự phát triển thực sự toàn diện, sẽ được đẩy mạnh nhiều hơn và mang lại những thành quả mong muốn.

3. Sự quan tâm đến việc sản xuất, có lương thực sẵn sàng và sự đạt được lương thực ấy, sự thay đổi khí hậu, việc buôn bán nông sản chắc chắn phải theo những qui luật và những biện pháp kỹ thuật chuyên môn, nhưng quan tâm đầu tiên phải là chính con người, những người đang thiếu lương thực hằng ngày và không còn nghĩ đến cuộc sống, các quan hệ gia đình và xã hội, mà chỉ chiến đấu để sống còn. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, tại hội trường này, khi khai mạc Hội nghị quốc tế đầu tiên về dinh dưỡng hồi năm 1992, đã cảnh giác cộng đồng quốc tế hãy chống lại nguy cơ ”mâu thuẫn của sự sung túc”: đó là lương thực có đủ cho tất cả mọi người, không không phải tất cả mọi người đều có thể được ăn uống, trong khi sự phung phí, sự gạt bỏ, tiêu thụ thái quá và sử dụng lương thực vào những mục tiêu khác đang diễn ra trước mắt chúng ta. Rất tiếc là điều ”mâu thuẫn” ấy tiếp tục là điều thời sự. Ít có những đề tài người ta áp dụng bao nhiêu thứ ngụy biện như đề tài nạn đói; trong những ngụy biện ấy, người ta lèo ái những dữ kiện và những con số thống kê, theo đòi hỏi của an ninh quốc gia, hoặc vì tham ô hay làm bộ nại đến lý do khủng hoảng. Đó là thách đố đầu tiên cần vượt qua.

Thách đố thứ hai cần phải đương đầu là tình trạng thiếu liên đới. Các xã hội chúng ta có đặc tính là ngày càng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ; và điều này rốt cục làm cho những người yếu thế nhất không được một cuộc sống xứng đáng và tạo nên sự nổi loạn chống lại các tổ chức công quyền. Khi thiếu tình liên đới trong một nước, thì tất cả mọi người đều cảm thấy. Thực vậy, tình liên đới là thái độ làm cho con người có khả năng đi gặp người khác và thiết lập các quan hệ của mình trên tâm tình huynh đệ, vượt lên trên những khác biệt và giới hạn, thúc đẩy tìm kiếm công ích.

Con người, theo mức độ họ ý thức mình là thành phần trách nhiệm trong kế hoạch tạo dựng, thì có khả năng tôn trọng nhau, thay vì đánh nhau, gây thiệt hại là làm cho trái đất trở nên nghèo nàn. Cả các quốc gia, cũng như các cá nhân và các dân tộc, đều được yêu cầu hành động đồng thuận với nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau qua những nguyên tắc và qui luật của công pháp quốc tế. Một nguồn mạch vô tận soi sáng chính là luật tự nhiên, được ghi khắc trong tâm hồn con người, nói một thứ ngôn ngữ mà mọi người có thể hiểu, đó là tình thương, công lý, hòa bình, những yếu tố không thể tách rời nhau. Trong tư cách là những con người, cả các Quốc gia và các tổ chức quốc tế được kêu gọi đón nhận và vun trồng các giá trị ấy, trong tinh thần đối thoại và lắng nghe nhau. Như thế, mục tiêu nuôi dưỡng gia đình nhân loại trở thành điều có thể đạt tới được.

4. Mỗi người nam, nữ, trẻ em, người già ở các nơi phải được lương thực đúng đắn. Và nghĩa vụ của mỗi Nhà Nước là quan tâm đến an sinh của các công dân, chấp nhận các bảo đảm đó và quan tâm áp dụng chúng. Điều này đòi phải có sự kiên trì và nâng đỡ. Trong lãnh vực này, Giáo Hội Công Giáo cũng cố gắng công hiến phần của mình, qua sự liên lỷ chú ý đến đời sống của người nghèo ở các nơi trên thế giới; theo cùng đường hướng đó Tòa Thánh dấn thân hoạt động trong các tổ chức quốc tế và qua nhiều văn kiện và tuyên ngôn của mình. Qua đó Tòa Thánh muốn góp phần xác định và chấp nhận các tiêu chuẩn phải thực hiện sự phát huy một hệ thống quốc tế công chính. Đó là những tiêu chuẩn, trên bình diện luân lý đạo đức, dựa trên những cột trụ như sự thật, tự do, công lý và liên đới, đồng thời trong lãnh vực pháp lý, chính những tiêu chuẩn ấy bao gồm quan hệ giữa quyền được lương thực và quyền sống, và một cuộc sống xứng đáng, quyền được luật pháp bảo vệ, không luôn luôn gần thực tại của người đang chịu đói, và nghĩa vụ luân lý chia sẻ sự phong phú kinh tế của thế giới. Nếu ta tin nơi nguyên tắc gia đình nhân loại là một, dựa trên tình phụ tử của Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, và tình huynh đệ của con người, thì không ta không thể chấp nhận để cho việc có lương thực phải chịu những điều kiện về chính trị và kinh tế. Hơn nữa, không chế độ kỳ thị nào, - về mặt thực tế hoặc trên pháp luật, - trong việc đặt tới thị trường lương thực, có thể được được coi như kiểu mẫu trong việc thay đổi các qui luật quốc tế nhắm loại trừ nạn đói trên thế giới.
Trong khi chia sẻ những suy tư này với quí vị, tôi cầu xin Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, chúc lành cho tất cả những người, với trách nhiệm khác nhau đang phục vụ những người bị đói và biết giúp đỡ họ bằng những cử chỉ gần gũi cụ thể. Tôi cũng cầu nguyện để cộng đồng quốc tế biết lắng nghe lời kêu gọi của Hội nghị này và coi đó như một diễn đạt ý thức chung của nhân loại: cho kẻ đói ăn để cứu vãn đời sống của trái đất.

Khích lệ các nhân viên FAO

Sau bài diễn văn, ĐTC đã tiến sang một phòng nhỏ hơn để ký sổ vàng và chào thăm một số vị khách được mời, rồi ngài tiến vào một hội trường khác để chào thăm các nhân viên của tổ chức Fao.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng: qua công việc âm thầm nhưng quí giá, anh chị em tiếp xúc với nhưng biến cố khác nhau, thường nhật và ngoại thường, nhắm thăng tiếng các chính sách sản xuất trong lãnh vực nông nghiệp và chiến đấu chống nạn suy dinh dưỡng. Đặc biệt anh chị em có thể đến gần những vấn đề và những đau khổ của các dân tộc có quyền được thấy điều kiện sống của họ được cải tiến.

ĐTC cũng mời gọi các nhân viên của FAO hãy ân cần và liên đới với những người yếu thế nhất, theo gương Chúa Giêsu đã gánh lấu những đau khổ và tai ương của nhân loại. Ngài xin họ đứng nản chí đứng trước những khó khăn, và luôn sẵn sàng nâng đỡ nhau, hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng.

G. Trần Đức Anh OP









All the contents on this site are copyrighted ©.