2014-11-25 13:19:31

Các nguy cơ đe đọa tự do lương tâm và tự do ngôn luận tại Âu châu


Phỏng vấn ông Martin Kugler, thành viên tổ chức Quan sát sự bất khoan nhượng và kỳ thị kitô hữu tại Âu châu

Từ nhiều năm qua người ta đang chứng kiến cảnh các kitô hữu ngày càng bị bách hại và kỳ thị tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại các nước Âu châu kitô. Với 200 triệu kitô hữu bị bách hại tại nhiều nước, đặc biệt là tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo và Ấn giáo, Kitô giáo đã trở thành tôn giáo bị bắt bớ và kỳ thị tàn tệ nhất từ xưa tới nay và ngay trong thế kỷ 21 này.

Không kể trường hợp của các nước cộng sản như Trung quốc, Bắc hàn, Cuba và Việt Nam, luôn thực thi chính sách đàn áp, kỳ thị nhằm tiêu diệt tôn giáo, từ năm 2001 tới nay con số các kitô hữu thiểu số bị bách hại tại Trung Đông và Á châu, từ Ai Cập cho tới Pakistan, đã gia tăng rất nhiều vì các lực lượng hồi giáo cực đoan. Là kitô hữu tại các nước Bắc Phi và vùng Trung Đông không có nghĩa là tuyên xưng một tôn giáo thiểu sổ và khác với tôn giáo chính thức là Hồi giáo, nhưng bị coi như là tiếp nối sự xâm lăng của Kitô giáo tây phương, là nhập thể đường lối chính trị của Hoa Kỳ trong chía khóa tôn giáo và của Tây phương vô thần tội lỗi. Chính vì thế các kitô hữu bị tiêu diệt một cách có hệ thống. Nhất là khi họ dại diện cho các thành trì sau cùng của tự do tôn giáo và tự do tư tưởng của cả một quốc gia trên bình diện chính trị. Điển hình như trường hợp của ông Shabaz Bhatti, bộ trưởng các nhóm thiểu số tại Pakistan, đã bị ám sát hồi tháng 3 năm 2011, vì đã mạnh mẽ bênh vực và tranh đấu cho quyền của các kitô hữu và các tôn giáo thiểu số.

Cứ 4 người trên thế giới bị bách hại vì các lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, thì có 3 người là tín hữu kitô. Và người ta chỉ nhắc tới các cuộc bách hại này, khi số người bị giết lên tới hàng chục người. Mới nhát lá các vụ bách hại chống lại kitô hữu bên Irak và Siria do các lực lượng thánh chiến hồi giáo của nhà nước Hồi chủ mưu. Hàng trăm ngàn kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản ra đi với hài bàn tay trắng, tiến về vùng Kurdistan lánh nạn, khi thành phố Mossoul bị các lượng này chiếm đóng hồi tháng 8 năm 2014. Ít lâu sau lại tới lượt các kitô hữu Siria phải chay trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều kitô hũu đã bị các lực lượng của nhà nước hồi ISIS cuồng tín chặt đầu và đóng đinh, vì không chịu theo Hồi giáo.

Tại Ai Cập làn sóng bách hại các kitô hữu đã bùng nổ hồi năm 2011. Đã có hàng trăm kitô hữu bị người hồi giết, hàng ngàn người khác bị thương và hàng chục nhà thờ bị đốt phá.

Cũng trong năm 2011 đã có nhiều nhà thờ tin lành tại Bejaia bên Algeria bị đóng cửa. Bên Libia tháng giêng năm 2012 các lực lượng hồi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi và áp dụng luật Sharia cho tất cả mọi người, cấm việc rao truyền Tin Mừng kitô, và áp dụng luật tử hình cho những người phạm thượng chỉ trích Hồi giáo hay bỏ Hồi giáo để theo một tôn giáo khác.

Bên Nigeria từ năm 2010 đến nay các lực lượng hồi cuồng tín Boko Haram đã liên tục tấn công các làng mạc, nhà thờ và trường học kitô tại Damaturu, Kaduna, Kano, Yalwa, khiến cho mấy ngàn tín hữu thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hàng chục ngàn người khác phải di cư lánh nạn. Binh sĩ Boko Haram thường tấn công các kitô hữu trong các dịp lễ Giáng Sinh, Phục sinh và ngày Chúa Nhật, trong khi họ đang tham dự thánh lễ. Mới đây theo gương các lực lượng thánh chiến hồi Irak và Siria họ cũng tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi tại Borno, là bang có đa số người theo Hồi giáo. Mộng của nhóm này là biến toàn vùng bắc Nigeria nơi có đa số dân theo Hồi giáo thành một Califat hồi.

Bên Somalia năm 1989 các lực lượng hồi cuồng tín ám sát Giám Mục Mogadiscio. Năm 2008 họ đốt phá bình địa nhà thờ chính tòa. Năm 2011 họ giết các thanh niên và phụ nữ kitô và bắt cóc mấy nhân viện thiện nguyện người Tây Ban Nha.

Bên Sudan cuộc nội chiến kéo dài hơn 40 năm giữa miền Bắc có đa số dân Arập theo hồi giáo và miền Nam có nhiều bộ lạc theo Kitô giáo đã khiến cho hằng trăm ngàn kitô hữu thiệt mạng. Khi miền Nam Sudan độc lập ngày mùng 9 tháng 7 năm 2011 chính quyền đã để cho hơn 1 triệu kitô hữu sống tại miền bắc trong tình trạng bấp bênh. Vụ đàn áp gây tiếng vang quốc tế là vụ kết án tử bà bác sĩ Mariam Yehya Ibrahim, 27 tuổi đang mang thai vì bà theo Kitô giáo.

Tại Afghanistan việc theo Kitô giáo có thể bị kết án tử hình. Các kitô hữu không được tụ họp nhau công khai và phải chịu rất nhiếu áp lực của xã hội và chính quyền. Bên Bhutan tuy hiến pháp mới ban hành năm 2008 đã cải tiến tự do tôn giáo, nhưng các kitô hữu vẫn phải sống đạo âm thầm. Bên Pakistan nhiều tín hữu hồi lợi dụng luật chống phạm thượng vu khống cho các kitô hữu khiến cho hàng trăm người bị tù tội và bị xử tử.

Bên Ấn Độ năm 2008 các làn sóng bạo lực tấn công các kitô hữu, do các nhóm ấn giáo cuồng tín chủ mưu trong bang Orissa, đã khiến cho nhiều người chết, hàng trăm người bị thương và 50.000 kitô hữu phải lẩn trốn trong rừng nhiều tháng trời. Thống kê năm 2011 cho biết đã có 2.141 vụ tín hữu ấn giáo tấn công và bách hại các kitô hữu. Bên Indonesia năm 1999 các vụ tấn kích chống tín hữu kitô do các nhóm hồi cuồng tín chủ mưu trên đảo Maluku đã khiến cho 20.000 người thiệt mạng và nửa triệu người phải tản cư lánh nạn. Đã có hàng trăm nhà thờ, trường học, nhà thương, bệnh xá và cơ sở kitô bị đốt phá.

RIêng tại Âu chậu người ta cũng ghi nhận các bách hại và kỳ thị gia tăng đối với Kitô giáo. Các chính quyền đời hay duy đời cực đoan tìm mọi cách để gạt bỏ Kitô giáo ra ngoài lề xã hội, gay gắt chỉ trích bôi nhọ hàng giáo phẩm, bịt miệng Giáo Hội, không cho phát biểu liên quan tới các vấn đề luân lý đạo đức xã hội. Việc đeo tượng ảnh Chúa cũng có thể là nguy cơ khiến mất việc làm. Tuy chưa đến chỗ có luật sức khỏe như bên Hoa Kỳ bắt buộc các nhà thương, tổ chức, đại học và cơ sở của Giáo Hội phải cung cấp thuốc ngừa thai hay trả lệ phí phá thai cho các nhân viên, nhưng nhiều chính quyền và đảng phái chính trị âu châu đang tìm cách chèn ép các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là Giáo Hội công giáo. Họ tìm đưa ra các luật lệ trong chiều hướng đó, bắt các tín hữu phải hành động trái với lương tâm và niềm tin kitô của mình. Các bác sĩ có thể bị truy tố trước tòa án nếu từ chối phá thai, hay trợ tự.

Trước làn sóng bách hai các kitô hữu bên Trung Đông gia tăng hồi tháng 8 năm 2014 Hội Đồng Giám Muc Italia đã thành lập Ngày cầu nguyện cho các kitô hữu bị bách hại, ngày 15 tháng 8. Trong thông báo các Giám Mục Italia đã tố cáo các chính quyền Âu châu là ”lo ra, thờ ơ, mù và điếc trước các cuộc bách hại hằng trăm ngàn kitô hữu” đang diễn ra trước mắt mọi người. Thật thế, trước thảm cảnh của hàng trăm triệu kitô hữu bị bách hai và kỳ thị trên thế giới các chính quyền và đảng phái chính trị Âu châu đã hầu như hoàn toàn dửng dưng thinh lặng, không phản ứng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Martin Kugler, thành viên tổ chức Quan sát sự bất khoan nhượng và kỳ thị kitô hữu tại Âu châu.

Hỏi: Thưa ông, đâu là thách đố mà các kitô hữu âu châu phải đương đầu hiện nay?

Đáp: Thách đố mà các tín hữu kitô âu châu phải đương đầu hiện nay gồm hai mặt. Trước hết nó liên quan tới tình trạng loại trừ và kỳ thị gia tăng tại nhiều quốc gia, dĩ nhiên là với các mức độ khác nhau, tùy theo nền văn hóa thống trị và các phương tiện truyền thông thống trị, nhưng nói chung nó đi theo hướng này. Vấn đề thứ hai mà chúng tôi phải đối phó là các hạn chế trên bình diện pháp luật, trong đó có các hạn chế tự do lương tâm của các kitô hữu hoạt động trong lãnh vực y khoa, hay tự do ngôn luận trước các vấn đề như hôn nhân và gia đình, hay việc giáo dục tính dục do Nhà nước điều hành. Các kitô hữu phải đương đầu không chỉ với sự bất khoan nhượng gia tăng, mà cũng còn phải đương đầu với các hạn chế pháp luật nữa.

Hỏi: Người ta có cảm nhận được chút nào tình hình bên Irak, Siria hay tại các nước khác nơi có các cuộc bách hại chống lại các kitô hữu không?

Đáp: Tại Âu châu chúng ta không nói tới bách hại. Vấn đề hoàn toàn khác. Nhưng như chúng ta có thể cảm thấy từ các anh chị em kitô bên Irak, Iran và Siria. Có một sự liên lụy giữa thái độ thụ động, việc thiếu ý thức về ”tự do tôn giáo” bên Âu châu và các vấn đề mà các anh chị em này phải đương đầu trong các quốc gia của họ. Thật thế, nếu các giới chức chính trị âu châu cương quyết hơn một chút và nhấn mạnh nhiều hơn trên ý nghĩa của sự ”tự do tôn giáo”, họ cũng có thể nghiêm ngặt hơn trong các đường lối chính trị đối với các quốc gia khác. Tôi xin đơn cử một thí dụ. Cách đây hai năm Liên hiệp Âu châu đã triệu tập một phiên họp cấp Bộ trưởng ngoại giao để thảo luận về các tội phạm chống lại các kitô hữu bên Ai Cập. Tình hình lúc đó thật là thê thảm. Sau cuộc họp này đáng lý ra họ đã phải công bố một nghị định giúp thiết lập một đường lối chính trị nước ngoài chung cho toàn Liên Hiệp Âu châu liên quan tới Ai Cập. Nhưng họ đã không thể soạn thảo tài liệu đó, bởi vì họ đã từ chối nói đến các ”kitô hữu”. Vì một lý do ”chính trị đúng đắn” họ đã không muốn nói rằng ”đã có các kitô hữu bị giết chết” hay ”các kitô hữu đang mất các quyền của họ”, bởi vì họ đã muốn duy trì trên một bình diện bình đẳng giữa các tôn giáo. Bất cứ ai đọc một tài liệu như thế, cũng sẽ nhận ra ngay rằng các Bộ trưởng ngoại giao trong Liên Hiệp Âu châu cũng đã không hiệp nhất trong việc diễn tả nỗi lo lắng của họ, chứ nói gì tới chuyện bênh vực quyền tự do của các tín hiữu kitô.

Hỏi: Vậy làm thế nào để cải tiến tình hình của các kitô hữu tại Âu châu, trên bình diện tôn giáo cũng như trên bình diện chính trị, thưa ông?

Đáp: Tôi trông thấy hai con đường cho kitô hữu Âu châu. Một con đường là lộ trình rất tỉnh thức và thu thập tin tức một cách sâu rộng hơn liên quan tới các trách nhiệm của giáo dân, chứ không chỉ để nhiệm vụ đó cho Giáo Hội. Con đường kia là các chính trị gia kitô phải can đảm hơn, phải biết có trách nhiệm duy nhất liên đới với các kitô hữu găp khó khăn nhất trong các nước Âu châu, trong đó họ đã là một thiểu số rồi. Đây cũng là một dấu chỉ của tình liên đới đối với kitô hữu các nước khác đang bị bách hại thực sự. Như vậy tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Âu châu trên bình diện y khoa, luân lý đạo đức, giáo dục, quyền của các cha mẹ, trên bình diện không kỳ thị - và tại những nơi có một đường lối chính trị chống kỳ thị, thì các tín hữu kitô sẽ bắt đầu mất quyền tự do hành đông trong thế giới lao động - chúng ta sẽ thành công trong việc trao ban một dấu hiệu tích cực cho cả các anh chị em đang phải đương đầu với các vấn đề lớn hơn nhiều nữa.

(RG 7-11-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.