2016-01-27 12:45:00

Tình hình vài nước vùng Trung Đông được nhắc tói trong sứ điệp Giáng Sinh của ĐTC


Tình hình vài nước vùng Trung Đông được ĐTC nhắc tới trong sứ điệp Giáng Sinh: Siria, Iraq, Libia, Yemen

Trong Sứ điệp Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 năm 2015 vừa qua ĐTC Phanxicô đã duyệt qua một số vùng không có hoà bình trên thế giới, và tha thiết mời gọi mọi người sống thương xót như Thiên  Chúa, để cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng và cuộc sống hầu có sự bình an, niềm hy vọng  và lòng thương xót, loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh xung khắc, bất công, và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình. Ngài đặc biệt nhắc tới các  nước vùng Trung Đông như Siria, Iraq, Libia và Yemen.

Xung khắc tại Siria đã bùng nổ ngày 15 tháng 3 năm 2011 với các vụ biểu tình liên tục  chống chính quyền của tống thống Bashar Al-Assad. Làn sóng biểu tình nhanh chóng biến thành việc nổi loạn trên toàn nước, rồi biến thành cuộc nội chiến năm 2012, và hiện vẫn tiếp tục ngày càng thảm khốc hơn, biến nhiều thành phố và làng mạc Siria trở thành các đống gạch vụn đổ nát hoang tàn. Các phản đối ban đầu nhắm mục đích yêu cầu tổng thống Al- Assad từ chức và loại bỏ cơ cấu độc đảng Ba’th. Nhưng rồi với các đụng độ ngày càng khôc liệt hơn có thêm một lực lượng quá khích khác mang mầu sắc Salaphít nhập cuộc. Nhờ sự trợ giúp tiền bạc và khí giới của vài quốc gia hồi Sunnít  trong vùng Vinh Ba Tư, lực lượng này ngày càng mạnh và người ta ước đoán có tới 75% chiến binh thuộc quyền nó. Các nhóm hồi cuồng tín này có mục đích chính là thiết lập luật Sharia của Hồi giáo tại Siria.

Vì vị trí chiến lược của Siria, các liên hệ quốc tế của nó và cuộc nội chiến kéo dài, khiến cho cuộc khủng hoảng của Siria cũng liên luỵ tới các quốc gia láng giềng và toàn cộng đoàn quốc tế. Nhất là từ khi các lực lượng này tuyên bố thành lập Nhà nước hồi IS. Giữa lòng Liên Hiệp Quốc đã xảy ra sự đổ bể sâu rộng giữa Hoa Kỳ, Pháp và Anh ủng hộ các lực lượng nổi loạn, trong khi Trung Quốc và Nga trái lại ủng hộ chính quyền của tổng thống Al-Assad, cả trên bình diện ngoại giao cũng như trên bình diện quân sự. Từ năm ngoái Nga đã gửi vũ khí và quân đội tới Siria, và từ mấy tháng nay đã cho máy bay chiến đấu bỏ bom  các căn cứ của các lực lượng IS.

Con số người chết trong chiến tranh tại Siria đã lên tới hơn 300.000, không kể hằng trăm ngàn nguời bị thương, hơn 4 triệu người tỵ nạn các nước láng giềng và gần 8 triệu người tỵ nạn bên trong nước. Mặc dù trong các năm qua ĐTC Phanxicô đã liên tục kêu gọi hoà bình cho Siria, nhưng tình hình đã không sáng sủa hơn. Ngày 11 tháng giêng lần đầu tiên các đoàn xe chở phẩm vật cứu trợ được phép tiếp tế cho dân chúng kiệt quệ vì bị vây hãm từ bao tháng qua tại vài nơi.

Bên Iraq là quốc gia láng giềng của Siria, kể từ khi Hoa Kỳ xâm lăng nước này năm 2003 và hạ bệ tổng thống Sadam Hussein, tình hình chính trị xã hội liên tục rối ren và bất an, vì xung khắc bùng nổ giữa các nhóm Sunnít và Sciít, cũng như với các lực lượng chống Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Mặc dù năm 2011 các lực lượng bảo hoà đã triệt thoái hầu như toàn diện, nhưng tình hình vẫn bất ổn với các vụ khủng bố bằng bom người. Chiến tranh Iraq đã khiến cho khoảng 600.000 người thiệt mạng, hàng triệu người tỵ nạn bên trong và ngoài nước. Bắt đầu từ năm 2012 Iraq chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến chiến bên Siria, vì có sự trao đổi mạnh mẽ  giữa các nhóm phiến quân hồi hoạt động trong vùng Đông Siria với các nhóm hoạt động trong vùng Tây Iraq, đa số thuộc giáo phái Hồi Sunnít, căm thù chính quyền Baghdad theo giáo phái Sciít. Năm 2013 ông Abu Bakr Al- Baghdadi, lãnh tụ Nhà nước hồi Iraq, được thành lập năm 2006 như là phần của mạng lưới của tổ chức hồi khủng bố Al Qaeda, loan báo hiệp nhất nhóm mình với nhóm Al- Nursa, là phong trào phiến quân hồi nòng cốt của Siria. Sự hiệp nhất này, bị khước từ bởi đa số lãnh tụ của nhóm Al- Nursa và Al Qaeda, khiến cho nhóm Al Qaeda xa rời nhóm mới thành lập, và thế là nhóm mới này lấy tên là Nhà nước Hồi của Iraq và vùng Mặt trời mọc viết tắt là ISIS hay ISIL trong tiếng Anh.

Vào đầu năm 2014 nhóm này kiểm soát thành phố Falluja và một phần lớn vùng Đông Siria, rồi giữa tháng 6 và tháng 7 năm 2015 lan sang vùng bắc và đông, đánh chiếm hai thành phố Mossul và Tikrit, rồi tiến sát tới vùng Kurdistan. Trong thời gian này lực lượng này hoàn toàn bẻ gẫy liên lạc với tổ chức Al Qaeda, và tuyên bố thành lập một Califato đại đồng hay Nhà nước Hồi IS có lãnh tụ là Abu Bakr Al- Baghdadi. Sức tiến của Nhà nước Hồi bị các cuộc dội bom và oanh kích của Hoa Kỳ và các dân quân Kurde và Sciít hãm lại. Theo Hiến pháp năm 2005 Iraq là một cộng hòa quốc hội, liên bang, dân chủ và hồi. Đòi buộc của một sự quân bình giữa các cộng đoàn phản ánh trong việc chia ba chức vụ chính của quốc gia, tuy không được thấy trước trong Hiến pháp, nhưng được coi như nền tảng của sự thoả hiệp giữa ba lực lượng chính trong nước: Tổng thống là chức danh dự nhất dành cho một người Kurde, Thủ tướng được chọn trong cộng đoàn Sciít, và Chủ tịch quốc hội được chọn trong cộng đoàn Sunnít. Trong hai nhiệm kỳ, tức cho tới năm 2014 Hiến pháp thiết định rằng tổng thống được trợ giúp bởi một Hội đồng tổng thống, gồm hai Phó tổng thống, một người Sciít một người Sunnít. Cũng thế Quốc hội có hai Phó chủ tịch một người Sciít, một người Sunnít. Trong khi có 3 phó thủ tướng: một người Sunnít, một người Sciít và một người Kurde, Nhưng quy chế này bị bãi bỏ vào tháng 8 năm 2015. Quyền lập pháp được dành cho Quốc Hội, hiện nay gồm 328 dân biểu được bầu theo tỷ lệ.

Tại Libia vào tháng hai năm 2011 bùng nổ các vụ dân chúng xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Tiếp theo sau là một cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng trung thành với đại tá Gheddafi với các lực lượng nổi loạn. Ngày 19 tháng 3 năm 2011, theo sau nghị quyết số 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một can thiệp quân sự quốc tế nhằm bảo vệ thường dân Libi qua việc áp dụng một vùng cấm bay được đề ra. Trong thực tế sự can thiệp được cụ thể hóa trong việc bỏ bom  một cách có hệ thống các nhóm binh sĩ của chính quyền, các hạ tầng cơ sở dân sự và quân sự, và yểm trợ các lực lượng chống chính phủ. Tham dự việc can thiệp này có các nước của khối NATO trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Italia, Canada và vài nước A rập như Qatar và Vương quốc A rập thống nhất. Ngày 20 tháng 10 năm 2011 đại tá Muammar Gheddafi bị bắt và bị giết trong thành phố Sirte, khiến cho chế độ của ông sụp đổ.

Tuy nhiên, Libia rơi vào cảnh hỗn loạn vì chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa các dân quân vũ trang của các bộ lạc khác nhau thuộc liên minh nổi loạn chống chính phủ trước đó. Nhiều chính quyền tiếp nối nhau đã cố gắng áp đặt quyền bính trung ương trên các nhóm này, bằng cách tìm giải giáp họ và sát nhập họ vào quân đội quốc gia, nhưng đã không thành công, vì các cơ quan hành chánh trung ương đã luôn tỏ ra quá yếu ớt, và quốc hội bị chia rẽ trầm trọng. Sau ngày 18 tháng 5 năm 2014 tình hình trở nên tồi tệ hơn sau vụ đảo chánh của tướng Khalifa Belqasim Haftar, và việc chiếm dinh quốc hội Tripoli từ phía các binh sĩ trung thành với ông. Một số các đại biểu chọn Tobruk làm trụ sở và rời quốc hội về đây. Ngày 17 tháng 12 năm 2015 tại Skhirat bên Marốc các đại diện của Quốc hội Tripoli và quốc hội Tobruk đã ký một hiệp định thành lập một chính quyền thoả hiệp quốc gia dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Bên Yemen một cuộc chiến mới chính thức bắt đầu vào tháng 3 năm 2015. Vài máy bay của A Rập Sauđi và các nước A Rập khác đã bỏ bom các căn cứ của các phiến quân Sciít Huthi.  Mấy tuấn trước đó các phiến quân này đã kiểm soát thủ đô Sana’a và các phần đất khác ở mạn Tây nước này. Tình hình Yemen căng thẳng từ nhiều tháng nay, tới độ nhiều nhà phân tích chính trị gọi nó là một cuộc nội chiến. Tình hình tại Yemen cũng rất là phức và khó hiểu, vì các nhóm phiến quân nổi loạn địa phương được các nước ngoài và các nhân vật chính trị quan trọng  của Yemen ủng hộ. Lịch sử Yemen, là quốc gia nghèo nhất Trung Đông, đã đột nhiên thay đổi giữa cuối năm 2011 và đầu năm 2012, khi tổng thống Ali Abdullah Saleh cai trị nước này từ hơn 30 năm nay, đã nhường quyền bính cho ông Abd Rabbih Mansur Hadi.

Ngày 22 tháng giêng năm 2015 theo sau một cuộc đảo chánh từ phía đa số Zaydidta Huthi, tổng thống Abd Rabbih Mansur Hadi và thủ tướng Khalid Basas là người đã dính líu tới chế độ cũ và các gương mặt phát xuất từ mùa xuân A Rập, đã từ chức. Hiến pháp quốc gia giao quyền lãnh đạo cho chủ tịch quốc hội, là nhân vật gần gữi với ông Saleh. Tình hình trở nên hỗn loạn khiến cho bốn vùng ở miền nam Yemen tuyến bố không tuân lệnh chính quyền trung ương nữa. Ngày 21 tháng 2 ông Hadi bỏ thủ đô Sana’a để đến Aden, là thành phố quê quán đồng thời là pháo đài của ông ở miền nam Yemen. Vào tháng 3 ông tuyên bố là đã không bao giờ từ chức và tuyên bố Aden là thủ đô của Yemen. Ngày 25 tháng 3 năm 2015 chính quyền A rập Saudi được 10 nước A rập thuộc Vùng vịnh Ba Tư cũng như Ai Cập, Sudan, Marốc và Giordania, ra lệnh cho 150.000 binh sĩ và 100 máy bay quân sự bỏ bom các căn cứ của phiến quân Huthi nhằm tái lập quyền bính của ông Abd Rabbith Mansur Hadi, trong thời gian này sống tại Riyad. Cộng hoà hồi Iran đã mạnh mẽ phản đối A rập Saudi và yêu cầu ngưng ngay việc can thiệp quân sự này tại Yemen. Vào tháng 10 năm 2015 Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã phổ biến bản tường trình tố cáo các tội ác chiến tranh của A rập Saudi tại Yemen, đặc biệt là việc sủ dụng bom chùm và bỏ bom các trường học và các mục tiêu dân sự khác, nhất là dinh thống đốc Sa’da do người Huthi chiếm đóng. Ngày 26 tháng 10 và ngày mùng 2 tháng 12 năm 2015 không quân A rập Saudi đã bỏ bom hai nhà thương của tổ chức Các bác sĩ không biên giới tại Sa’da và Al houban.

(SD 25-12-2015)

Linh Tiến Khải

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.