2016-07-22 16:13:00

Cha Shortall, thừa sai Lòng thương xót của giáo phận Maitland-Newcastle


Giáo phận Maitland-Newcastle ở Cooranbong, Australia, rộng hơn 1/10 nước Việt nam, có 30 Linh mục phục vụ tại 39 giáo xứ với 77 nhà thờ; bên cạnh đó có 17 giáo xứ với 27 nhà thờ không có Linh mục. Nhưng từ khoảng độ 2 tháng nay, một số nhà thờ của các giáo xứ ở vùng xa xôi hẻo lánh không có Linh mục này mở cửa từ sáng đến chiều các ngày trong suốt một tuần lễ. Một điều cũng gây tò mò thắc mắc cho giáo dân, đó là khi họ bước qua cửa nhà thờ rộng mở, họ sẽ thấy một băng rôn lớn với hàng chữ: “Thừa sai của Lòng Thương xót ở đây tuần này!”. Điều này có nghĩa là gì? Tại các giáo xứ có nhà thờ được mở cửa bất thường này, nếu chú ý, người ta sẽ thấy có một căn nhà di động màu trắng, không như các trailler để đi du lịch, nhưng là căn nhà nhỏ di động trên một chiếc xe mô tô cũ. Đó là chiếc xe mà cha Richard Shortall, một Linh mục dòng Tên dùng để di chuyển đến các giáo xứ ở các vùng xa xôi hẻo lánh không có Linh mục của giáo phận. Đến mỗi nơi, cha đậu xe bên cạnh nhà thờ, câu điện nước và sử dụng nó như nhà của mình suốt tuần lễ. Ngôi nhà màu trắng trên chiếc xe mô tô này đã trở thành hải đăng của niềm hy vọng và thương xót giữa các cộng đoàn địa phương.

Sự kiện này bắt đầu từ việc cha Shortall đọc được ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông sắc “Gương mặt của Lòng Thương xót” khi tuyên bố Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương xót. Đức Thánh Cha viết: “Tôi có ý định gửi các thừa sai của Lòng Thương xót. Họ sẽ là dấu chỉ của lòng trắc ẩn từ mẫu của Giáo hội cho dân của Chúa và giúp họ tham dự vào sự phong phú sâu sắc của mầu nhiệm căn bản của đức tin”. Đọc được những lời này, cha cảm thấy mình được gọi và muốn trở thành một trong những thừa sai của Lòng Thương xót này. Cha là một trong hơn một ngàn Linh mục được Đức Thánh Cha chấp nhận là thừa sai của Lòng Thương xót.

Làm việc cho giáo phận từ năm 2013, cha hiểu những thương tổn đặc biệt trong lòng nhiều người do những tin tức về các giáo sĩ lạm dụng tình dục, cha cảm thấy mình được gọi để phục vụ cho họ, nhưng cha không có ý tưởng sẽ làm việc gì khi trở thành Thừa sai của Lòng thương xót. Cha đã chia sẻ điều này với vị phó chưởng ấn của giáo phận, và cha đã được soi sáng. Vị này từ lâu đã ao ước có một Linh mục đi đến các vùng xa của giáo phận, nơi không có Linh mục thường trú phục vụ. Được Đức Giám mục và cha Giám tỉnh dòng Tên ở Úc đồng ý, cha Shortall đã thực hiện ước muốn này. Họ hy vọng là 27 nhà thờ không có Linh mục thường trú sẽ được cha chăm sóc mục vụ trong thời gian cha là thừa sai của Năm Thánh này.

Cha Shortall chia sẻ: “thật ra ý tưởng về việc các Linh mục di chuyển khắp nơi, đến các cộng đoàn ở nông thôn và vùng xa xôi không phải là một điều gì mới. Trước đây đã có các Linh mục đi ngựa và ngay cả trong dòng Tên chúng tôi trước đây, chúng tôi đã gửi các thừa sai đi bộ hay đi ngựa hàng tuần lễ. Vì vậy chúng tôi chỉ làm lại những điều chúng tôi đã làm trước đây. Còn tôi thì chỉ ngồi trên xe!”.

Khi được nhận làm thừa sai Lòng Thương xót, như các Linh mục khác, cha Shortall đã đến Roma để tham dự nghi lễ sai đi với Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong những ngày thực thi sứ vụ thừa sai này, cha đã thuật lại kinh nghiêm của cha ở Roma và cũng giải thích sứ điệp thương xót mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày trong các bài giảng của ngài.

Trong một Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Patrick và thành Brigitta, cha đã chia sẻ: “Trong suốt tuần chúng tôi đang khám phá ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài gọi Năm Thánh này là của Lòng Thương xót. Đó là khi chúng ta nhìn vào gương mặt thương xót của Thiên Chúa, chúng ta thấy đó là một Thiên Chúa cảm thương, Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa chào đón và không phán xét. Vì vậy khi chúng ta tiếp nhận các đặc tính này vào trong tâm lòng chúng ta, khi chúng ta nối kết với lòng thương xót của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta cũng trở thành những người thương xót hơn. Trong Thánh lễ sai đi vào ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha đã nhắc chúng tôi những cách thức trong Năm Thánh này, những cách thức mà qua đó chúng ta có thể mở mắt chúng ta. Và ngài trở đi trở lại đề tài mở cửa này, không chỉ cửa các nhà thờ của chúng ta, nhưng cả cánh cửa tâm lòng chúng ta.

Mở cửa chính xác là điều cha Shortall làm. Mỗi sáng cha mở cửa nhà thờ và ở đó suốt ngày. Cha cử hành Thánh lễ ban sáng, rồi ở lại trong nhà thờ, thinh lặng, đọc sách hay cầu nguyện trong khi chờ đợi giáo dân, những người đáp lời mời đi qua cửa nhà thờ. Cha hy vọng là người ta đón nhận lời mời đến cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa khi bước qua cánh cửa nhà thờ mà Cha đã mở. Cha nói: “Khi tôi mới đến, tôi mời họ tự do đến và nói chuyện với tôi về điều gì đó từ trong quá khứ mà họ cảm thấy đang dìm họ xuống. Có lẽ họ chưa bao giờ có cơ hội để chia sẻ chuyện đời của họ với ai đó. Bây giờ họ có cơ hội để tâm sự với một người đang lắng nghe họ với sự cảm thông và không kết án họ. Tôi ngồi với họ và quan sát họ, tôi biết rằng điều này quan trọng đối với họ. Có một sự trút bỏ gánh nặng, được tự do mà mình không thể tin được. Đối với tôi, đó là yếu tố then chốt của một thừa sai của lòng thương xót trong Năm Thánh này. Cuộc trò chuyện có thể dẫn đến Bí tích hòa giải, nhưng không thật sự cần thiết. Khi có một người đang ngồi ở đây trong lúc tôi mệt mỏi kiệt sức, tôi tự nói với mình: người quan trọng nhất tôi gặp hôm nay chính là người này, và điều quan trọng nhất tôi làm hôm nay là lắng nghe họ và chú ý đến họ. Tôi đã nghe nhiều người nói: Thưa cha, con cảm thấy như đã trút được gánh nặng khỏi đôi vai con. Do đó, thật là đơn giản! Mọi điều chúng ta cần là yêu thương và đón nhận họ, sẵn sàng và hiện diện với họ, lắng nghe họ cách dịu dàng thay vì quát tháo và phán xét họ và làm cho sự việc trở nên khó cho họ. Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang nói: chúng ta phải đi ra và bảo đảm là dân chúng cảm thấy được đón tiếp và là thành phần của Giáo hội”. (CNS 07/06/2016)

Hồng Thủy Op








All the contents on this site are copyrighted ©.