2016-07-30 12:21:00

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho linh mục, tu sĩ Ba Lan


CRACOVIA. Sáng ngày 30-7-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho 2 ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Ba Lan. Ngài mời gọi họ ra đi thi hành sứ mạng, và sống tín thác nơi Chúa.

 Giã từ Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót lúc gần 10 giờ sáng, ĐTC đến Đền Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, chỉ cách đó 1 cây số. Đền thánh thứ hai này được ĐHY Dziwisz cựu bí thư của Đức Cố Giáo Hoàng cho khởi công xây cất trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015. Ngoài thánh đường còn có Bảo Tàng viện Gioan Phaolô 2, một tháp quan sát, một trung tâm diễn thuyết và hội nghị, một nhà trọ cho các khách hành hương, và một trung tâm chỉnh hình.

 Khu vực Đền Thánh cũng có liên hệ tới Đức Gioan Phaolo 2: nơi này trước kia có hãng hóa học ”Solvay”: khi còn là một sinh viên trong thời thế chiến thứ hai, Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng tương lai, đã làm việc tại đây như công nhân, cho đến tháng 9 năm 1940 thì làm việc trong mỏ đá ở địa phương, năm sau đó, Người được chuyển đến làm việc trong xưởng lọc nước bẩn.

 Đền thánh có hai tầng: phần trên là Nhà thờ chính với 6 nhà nguyện quanh gian chính. Phần dưới là Nhà thờ có hình bát giác, gồm nhiều nhà nguyện nhỏ, chứa đựng các thánh tích liên quan đến thánh Gioan Phaolô 2, nhất là một ống đựng máu của vị thánh Giáo Hoàng, do các bác sĩ ở bệnh viện Gemelli trao lại cho ĐHY Dziwisz bấy giờ còn là bí thư riêng của Đức Gioan Phaolô 2. Thánh tích này được đặt tại bàn thờ bằng cẩm thạch ở trung tâm Nhà thờ các thánh tích.

 Trong thánh đường, ngoài các LM, tu sĩ và chủng sinh cũng có hàng chục GM Ba Lan đồng tế với ĐTC. Hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ quảng trường bên ngoài.

 Bài giảng của Đức Thánh Cha

 Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 20 kể lại biến cố 8 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, cửa nhà đóng kín. Chúa đứng giữa họ và chúc lành, trao ban bình an và Thánh Thần, cùng với ơn tha thứ tội lỗi cho họ, nghĩa là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ: ”Như Cha đã sai thầy, Thầy cũng sai các con đi” (v.21). ĐTC mời gọi các LM tu sĩ hãy ra khỏi mình, đừng khép kín, trái lại hăng say ra đi; và hãy tiếp tục viết lên những trang Tin Mừng bằng cách hành động từ bi bác ái. ĐTC nói:

 ”Chúa Giêsu sai đi. Ngay từ đầu Chúa muốn Giáo Hội đi ra ngoài, đi tới thế giới. Chúa muốn Giáo Hội cũng làm như Ngài đã làm, như Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần thế: không phải như một kẻ hùng mạnh, nhưng trong thân phận người tôi tớ (Xc Pl 2,7), không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mc 10,45) và để mang Tin Vui (Xc Lc 4,18). Những người được Chúa sai đi trong mọi thời đại cũng phải như vậy. Chúng ta thấy một điều trái nghịch này: trong khi các môn đệ đóng kín cửa nhà vì sợ hãi, thì Chúa Giêsu sai họ ra đi thi hành sứ mạng; Chúa muốn các cánh cửa mở toang và các môn đệ đi ra ngoài để phổ biến ơn tha thứ và an bình của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Linh.

 ĐTC khẳng định rằng:

 ”Lời kêu gọi này cũng được dành cho chúng ta. Làm sao không nghe thấy vang vọng lời mời gọi long trọng của thánh Gioan Phaolô 2: ”Hãy mở cửa!”?. Nhưng trong đời sống linh mục và thánh hiến của chúng ta có thể thường xảy ra cám dỗ muốn phần nào khép kín trong chính mình hoặc trong các môi trường của mình, vì sợ hãi hoặc vì thoải mái, tiện lợi. Nhưng hướng đi mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta chỉ có một chiều mà thôi: đó là ra khỏi chính mình. Đó là một cuộc xuất hành không có vé trở về. Đây là thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình, mất mạng sống vì Chua (Xc Mc 8,35), đi theo con đường hiến thân.

 ”Đàng khác, Chúa Giêsu không thích những con đường được đi nửa chừng, những cánh cửa để hé mở, những lối sống nước đôi. Ngài yêu cầu hãy lên đường nhẹ nhàng, ra đi, từ bỏ những an ninh của mình, và chỉ tìm chắc chắn nơi một mình Chúa mà thôi.

 ”Nói khác đi, cuộc sống của các môn đệ thân thiết nhất như chúng ta được kêu gọi trở thành, được dệt bằng tình yêu cụ thể, nghĩa là phục vụ và sẵn sàng; một cuộc sống không có những không gian khép kín và tư sản để sống thoải mái. Ai đã chọn làm cho cuộc sống của mình hoàn toàn phù hợp với cuộc sống của Chúa Giêsu thì không chọn nơi riêng tư, nhưng đi tới nơi nào mình được sai đến; sẵn sàng đáp lại vị kêu gọi mình, và cũng chẳng chọn thời giờ riêng. Nhà mà họ ở không thuộc về họ, vì Giáo Hội và thế giới là những nơi mở rộng cho sứ mạng của họ. Kho tàng của họ là đặt Chúa ở trung tâm cuộc sống, không tìm kiếm sự gì khác cho mình. Họ xa tránh những hoàn cảnh lợi lộc, đặt họ ở vị trí trung tâm, họ không đứng lên những bục cao lung lay của quyền lực trần thế, không tìm cuộc sống tiện nghi làm suy yếu việc loan báo Tin Mừng, không phí phạm thời gian để đề ra những dự phóng tương lai vững chắc và nhiều lợi nhuận, để khỏi bị nguy cơ trở nên cô lập và u tối, khép kín mình trong những bức tường chật hẹp của sự ích kỷ vô vọng và thiếu niềm vui. Hài lòng trong Chúa, họ không mãn nguyện với cuộc sống tầm thương, nhưng nồng nhiệt khát khao làm chứng ta và đi đến người khác; họ thích rủi ro và ra ngoài, không bị bó buộc phải theo những lộ trình đã vạch sẵn, nhưng cởi mở và trung thành với những lộ trình được Chúa Thánh Linh chỉ dẫn: họ không chấp nhận sống vất vưởng, nhưng vui tươi loan báo Tin Mừng”.

 ĐTC cũng nhấn mạnh sự gắn bó của môn đệ đối với Chúa Giêsu và khẳng định rằng:

 ”Đối với chúng ta là môn đệ Chúa, điều rất quan trọng là đặt nhân tính của chúng ta tiếp xúc với thân mình của Chúa, nghĩa là mang trọn con người của chúng ta đến với Chúa, với lòng tín thác và hoàn toàn chân thành, cho đến tận cùng. Như Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina, Ngài hài lòng khi chúng ta nói tất cả với Chúa, Chúa không mệt mỏi vì cuộc sống của chúng ta mà Ngài đã biết, Chúa đợi chúng ta chia sẻ, thậm chí kể lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta cho Chúa (Xc Nhật ký, 6-9-1937). Như thế chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, trong một kinh nguyện trong sáng, và không quên phó thác những lầm than, cơ cực và cả những chống cự của chúng ta. Trái tim Chúa Giêsu bị chinh phục bằng sự cởi mở chân thành, do những tâm hồn biết nhìn nhận và khóc lóc vì những yếu đuối của mình, tín thác rằng chính tại đó mà lòng thương xót của Chúa sẽ hành động.

 Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC nói về câu cuối cùng của Tin Mừng theo thánh Gioan theo đó có nhiều dấu lạ khác được Chúa Giêsu thực hiện (v.30) những không được ghi chép trong sách này. Sau phép lạ vĩ đại về lòng thương xót của Chúa, chúng ta có thể nghĩ là không cần phải thêm điều lạ nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn một thách đố, một khoảng trống cho các dấu chỉ được chúng ta thực hiện, chúng ta là những người đã lãnh nhận Thánh Thần Tình Yêu và chúng ta được kêu gọi phổ biến lòng thương xót. Ta có thể nói rằng Tin Mừng, cuốn sách sinh động về lòng thương xót của Chúa, cần phải được đọc đi đọc lại liên tục, sách nào có những trang chưa viết ở cuối: đó là cuốn sách vẫn còn bỏ trống, chúng ta được kêu gọi viết lên với cùng một lối sống, nghĩa là thực hiện những công việc từ bi bác ái. Tôi hỏi anh chị em: những trang sách của mỗi người chúng ta như thế nào? Chúng có được viết hằng ngày không? Hay là chúng ta để trắng các trang sách ấy?

 Xin Mẹ Maria giúp chúng ta trong công tác này! Mẹ là Đấng đã hoàn toàn đón nhận Lời Chúa trong cuộc sống (Xc Lc 8,20-21), xin Mẹ ban cho chúng ta ơn trở thành những văn sĩ sống động của Tin Mừng; xin Mẹ Từ Bi Thương Xót dạy chúng ta chăm sóc cụ thể những vết thương cảu Chúa Giêsu nơi các anh chị em chúng ta đang ở trong tình trạng túng thiếu, những người xa gần, người bệnh cũng như người di dân, vì chính khi phục vụ người đau khổ chúng ta tôn kính thần mình của Chúa Kitô.

 Cuối thánh lễ, ĐHY Dzwisz, TGM sở tại và cũng là vị đặc trách về giáo sĩ thuộc HĐGM Ba Lan, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC.

 Sau phép lành, ĐTC đã trở về tòa TGM Cracovia, để dùng bữa trưa tới 12 bạn trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau: mỗi châu lục có 1 người nam và một người nữ đại diện, cộng thêm với 2 bạn trẻ nam nữ người Ba Lan.

 G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.