2016-12-30 10:02:00

Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất: Thánh vịnh 71


Thánh vịnh 70 lập lại y nguyên thánh vịnh 40 nên hôm nay chúng ta tìm hiểu thánh vịnh 71. Tác giả thánh vịnh 71 là một người cao niên, trình bầy kinh nghiệm từng trải phong phú của ông khởi đầu từ cuộc tấn kích bằng lời nói của các thù địch gian ác muốn hãm hại ông. Bọn người này cho rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi ông trong tuổi già sức yếu. Vì thế họ cho rằng đây chính là lúc thuận tiện để họ áp bức ông. Nhưng cũng giống như tác giả thánh vịnh 22, ông đã sống trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, và cậy dựa nơi Ngài ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Vì vậy cũng giống như tác giả thánh vịnh 31 ông lấy Thiên Chúa làm nơi nương náu của mình, coi Ngài là đá tảng cứu thoát, và không ngừng hát ca loan báo các kỳ công của Ngài. Các đề tài thánh thi, than van, khẩn nài, tin tưởng và tạ ơn lẫn lộn nhau trong thánh vịnh, và không có mối dây luận lý chặt chẽ nào.

 

Văn thể là lời than van cá nhân với các đề tài tin tưởng, cảm tạ và chúc tụng. Sau phần mở đầu, câu 2, là phần chính, các câu 3-21, và lời hứa chúc tụng kết thúc, các câu 22-24.

Câu 1 dẫn nhập vào thánh vịnh 71 loan báo đề tài và hai câu khác theo từng chữ thánh vịnh 31, 2-4a. “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Giavê, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ”. Đây chắc hẳn phải là một công thức  có sẵn, mà những người tìm nơi ẩu náu trong đền thánh Chúa dùng để nói lên tâm tình của mình: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Giavê, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con, ghé tai nghe và mau mau cứu chữa. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.” (Tv 31, 2-4a).

Các câu 2-8 là phần đầu của thánh vịnh 71 gồm một lời khẩn nài, các câu 2-4, theo sau là các lý do tin tưởng, các câu 5-7, và kết thúc với lời tôn vinh, câu 8.

“Vì Ngài công chính, xin cứu vớt và giải thoát con, ghé tai nghe và thương cứu độ. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài. Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ, khỏi móng vuốt phường nham hiểm và bọn dã man. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Giavê, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi. Con đã gây thắc mắc cho bao người, nhưng Chúa là nơi vững chắc cho con vào trú ẩn. Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh.”

“Trên Ngài con đã cậy dựa ngay từ trong lòng mẹ“ là kiểu diễn tả rất giống với thánh vịnh 22: “Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Ít-ra-en là Ngài… Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh.” (Tv 22,4.10-11).

“Con đã xuất hiện như quang cảnh nào đối với nhiều người”: nghĩa là con như một đối tượng gương mẫu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, cũng giống như tác giả thánh vịnh 31: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.”  (Tv 31,12). Miêu tả dung nhan người tôi tớ của Giavê, đấng gánh lấy tội lỗi của trần gian ngôn sứ Isaia cũng viết: “Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14).

“Nhưng Chúa là nơi con ẩn náu”: nếu bề ngoài vì các yếu đau của tuổi già  tác giả thánh vịnh có thể xem ra như một người bị Thiên Chúa đánh phạt, thì đức tin của ông bảo đảm với ông điều ngược lại, và lời chúc tụng Thiên Chúa cũng như sự biểu lộ trao ban ơn phúc của Thiên Chúa trong cuộc sống đủ làm chứng cho điều đó. Nhưng những kẻ gian ác thì không nghĩ như vậy. Họ nói: “Thiên Chúa đã bỏ rơi nó rồi, hãy bách hại nó, hãy túm lấy nó vì sẽ chẳng có ai giải thoát nó đâu”. Tác giả thánh vịnh 22 cũng khẩn nài Thiên Chúa đừng rời xa ông, khi thử thách đến gần, vì “chẳng có ai cứu chữa”: “Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho.” (Tv 22,12). Đó cũng đã là lời xin của tác giả thánh vịnh 35: “ Lạy Giavê, Ngài thấy rồi, xin đừng nín lặng, lạy Chúa, xin đừng nỡ đứng xa. Xin thức dậy, đứng lên xét xử, và biện hộ cho con, lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con thờ.” (Tv 35,22-23). Còn tác giả thánh vịnh 38 thì xin: “ Muôn lạy Giavê, xin đừng bỏ mặc, đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ. Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ.” (tv 38,22-23).

Tuy nhiên, cả trong hoàn cảnh khó khăn tác giả vẫn dâng lời hát ca chúc tụng vinh quang Chúa. Rồi ông xin với Ngài: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn. Vì thù địch nặng lời chống đối, quân rình hại mạng con đã nhất trí bày mưu, bảo nhau rằng: "Thiên Chúa bỏ hắn rồi, cứ truy nã, bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu mà! " Lạy Thiên Chúa, xin đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa, xin Ngài mau trợ giúp!”

Sau khi kêu cầu Chúa đến cứu giúp, tác giả dâng lên lời nguyện trù ẻo kẻ thù: “Ước chi những người muốn hại mạng sống con đều phải chết nhục nhã ê chề; kẻ tìm cách gây họa cho con phải muôn vàn nhuốc nhơ xấu hổ.”. Tác giả thánh vịnh 35 cũng nguyền rủa các kẻ thù địch ông như sau: “Chớ gì những ai tìm hại mạng sống con phải xấu hổ thẹn thùng, kẻ tính kế hại con phải tháo lui nhục nhã! Chớ gì chúng nên như trấu gió thổi bay,
khi chúng bị thiên thần Chúa xua đuổi! Chớ gì đường chúng đi nên tối tăm trơn trượt, khi chúng bị thiên thần của Giavê rượt theo!” (Tv 35,4-6). Đó cũng đã là lời xin của tác giả thánh vịnh 40: “Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con, đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng! Ước gì bọn đắc chí vì con mắc hoạ phải tháo lui nhục nhã! Những đứa cười ha hả nhạo con phải thẹn thùng chết điếng!” (Tv 40,15-16).

Tiếp đến tác giả nêu bật cung cách sống của mình luôn tin cậy tín thác nơi Thiên Chúa như sau: “Phần con đây, vẫn một bề trông cậy, và gia tăng lời tán tụng Ngài. Miệng con công bố Ngài chính trực, suốt ngày tường thuật ơn cứu độ Ngài ban, ơn của Ngài, nhiều khôn xiết kể! Con thuật lại bao chiến công của Giavê, nhắc nhở rằng: chỉ mình Ngài chính trực công minh. Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài. Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc, lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con, để con tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau. Lạy Thiên Chúa, đức chính trực của Ngài cao vời vợi,
Ngài đã làm những việc lớn lao, lạy Thiên Chúa, nào ai sánh tày!
Ngài đã bắt con nếm mùi tân khổ, chính Ngài sẽ cho con được hoàn sinh và kéo ra khỏi vực sâu lòng đất. Phần vinh hoa, Ngài sẽ ban nhiều, và trở lại vỗ về an ủi.”

“Miệng con sẽ kể lại công lý của Ngài”: đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 35: “Miệng lưỡi con sẽ nhẩm đi nhắc lại: "Ngài là Đấng công chính" và suốt ngày, con sẽ ca ngợi tán dương.” (Tv 35,28). Đây cũng là thái độ của tác giả thánh vịnh 109: “Tôi sẽ hết lời cảm tạ Giavê, tán dương Người giữa lòng đại hội.” (Tv 109, 30).

“Tôi sẽ đến với các điều diệu kỳ của Thiên Chúa”: việc nhận được các ân huệ của Thiên Chúa khiến cho tác giả tiến lên đền thánh để bầy tỏ lòng biết ơn của mình, và kể lại các điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho ông. Đó cũng đã là tâm tình của tác giả thánh vịnh 128: “Đây là cửa dẫn vào nơi Giavê ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.” (tv 128,19-20).

“Chúa đã khiến cho con được khôn ngoan”: tác giả biết rằng mình đã được giáo dục ngay từ ngày còn bé trong niềm tin nơi Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa ngày từ khi còn ở trong lòng mẹ ông đã sống kinh nghiệm sự trợ giúp của Thiên Chúa, và từ đó cho đến nay ông liên lỉ chúc tụng Ngài. Sự khôn ngoan thiên linh là kết quả của nền giáo dục lành mạnh đã nhận được, nhưng đồng thời cũng là kinh nghiệm sinh động của toàn cuộc sống.

“Con sẽ loan báo quyền năng của tay Chúa cho mọi thế hệ sẽ đến”: việc loan báo các kỳ công của Thiên Chúa là một đặc tính của các cử chỉ phụng tự công cộng cũng như tư nhân trong Do thái giáo. Đây đã là tâm tình của tác giả thánh vịnh 22: “Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa, con cháu tôi sẽ phụng sự Người. Thiên hạ sẽ nói về Chúa cho thế hệ tương lai, truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người, rằng: "Chúa đã làm như vậy! " (Tv 22,31-32).

“Và loan báo công lý Chúa cho đến trên cao… Ai như Chúa?”: Ai như Chúa là kiểu khẳng định tôn giáo độc thần của Do thái giáo. Sau khi được Chúa cho vượt qua Biển Đỏ dân Do thái ca hát và tuyên xưng niềm tin vào Giavê như sau: “ Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy Giavê? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ?” (Xh 15,11).

“Từ các vực thẳm của trái đất”: theo quan niệm vũ trụ học của vùng Đông Phương Cổ đó là các làn nước chung quanh Sheol, là nơi tối tăm, không có ánh sáng, không có niềm vui biểu tượng cho cái chết.

Các câu 22-25 kết thúc thánh vịnh 71 với lời hứa tổ chức lễ tạ ơn công khai, mà tác giả sẽ cử hành tôn kính Thiên Chúa sau khi lời cầu đã được chấp nhận: “Lạy Thiên Chúa, con dạo khúc hạc cầm tạ ơn Ngài thành tín.
Gảy cung tỳ bà, con ngâm vịnh kính dâng Ngài, lạy Đức Thánh của Ít-ra-en. Miệng con sẽ reo hò theo nhịp đàn mừng Chúa. Hồn con nữa, hồn con Ngài cứu chuộc, cũng vui sướng hò reo. Và suốt ngày con nhẩm đi nhắc lại: quả thật Ngài công chính! Vì những kẻ tìm cách gây hoạ cho con sẽ xấu hổ thẹn thùng.”  

Linh Tiến Khải

 








All the contents on this site are copyrighted ©.