2017-04-11 09:06:00

Cuộc nghiên cứu mới về hậu quả của thuốc lá trên sức khỏe con người


Hôm thứ tư 04.04, tập san khoa học The Lancet đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu mới về hậu quả của thuốc lá trên sức khỏe con người, theo đó, con số người hút thuốc hàng ngày và số người chết vì thuốc lá tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới kể từ năm 1990 đến nay, mặc dù đã có nhiều bước tiến trong lãnh vực chống tệ nạn hút thuốc.

Theo báo cáo Global Burden of Deseases, do một tổ hợp gồm hàng trăm khoa học gia nổi tiếng thế giới soạn thảo, cứ 4 người nam thì có một người hút thuốc hàng ngày. Còn phía phụ nữ thì tỷ lệ này là 1 trên 20 người, tức là trên toàn thế giới, có khoảng 1 tỷ người nghiện thuốc lá vào năm 2015. Dạo thập niên 1990, tỷ lệ nói trên là 1 trên 3 người nam và 1 trên 12 người nữ. Đây là một giảm thiểu đáng kể, thế nhưng con số người hút thuốc lá lại gia tăng từ 870 triệu người hồi thập niên 1990 lên 930 triệu năm 2015, một phần vì dân số thế giới gia tăng. Và con số người chết với những hệ lụy của thuốc lá đã gia tăng 4,7% trong cùng thời gian này, lên đến con số trên 6,4 triệu người trong năm 2015.

Các chuyên viên khoa học trong nhóm soạn thảo báo cáo nói trên bày tỏ lo ngại rằng con số người chết có thể tăng thêm nhiều trong thời gian tới đây, vì các công ty sản xuất thuốc lá đang mạnh mẽ nhắm đến các thị trường mới, đặc biệt là các nước đang trên đường phát triển.

Cho đến nay, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra cái chết cho người dân thế giới. 1/10 tỷ số người chết trên toàn thế giới là do thuốc lá. Một nửa tổng số người chết vì thuốc lá là tại 4 nước Trung quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nga. Cùng với các nước Indonesia, Bangladesh, Philippine, Nhật Bản, Brazil và Đức, họ tiêu thụ 2/3 số thuốc lá bán ra trên toàn thế giới.

Giáo sư Emmanuella Gakidou thuộc học viện nghiên cứu và thẩm định sức khỏe của Đại học Washington, một trong các soạn giả chính của báo cáo nói trên, tuyên bố nạn nghiện thuốc lá đứng hàng thứ hai trong danh sách các nguyên nhân khiến con người chết sớm hay có nguy cơ tàn tật suốt đời, chỉ sau bệnh huyết áp.

Tại một số quốc gia, số người nghiện hút thuốc giảm sút một phần cũng là nhờ việc tăng tiền thuế đánh trên thuốc lá, nhờ các chiến dịch chống hút thuốc, cảnh báo về những nguy hiểm của thuốc lá và các chương trình giúp cai thuốc. Chẳng hạn như nước Brazil, trong vòng 25 năm gần đây con số người nghiện hút thuốc đã giảm từ 29% xuống còn 12% trong nam giới và từ 19% xuống còn 8% trong nữ giới. Nhưng Indonesia, Bangladesh và Philippines thì không ghi nhận được tiến bộ nào trong lãnh vực giảm số người hút thuốc. Theo tổ chức Sức Khỏe Thế giới, số người nghiện thuốc lá tại Phi châu Nam sa mạc Sahara sẽ gia tăng 50% từ nay cho đến năm 2025.

Chuyên gia khoa học John Britton người Anh nhận định là con số người chết vì hệ lụy thuốc lá sẽ gia tăng đến mức độ kinh hoàng nơi những quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Người ta có thể chờ đợi khoảng một nửa tổng số người hút thuốc lá  thường ngày, tức là trên dưới nửa tỷ người, sẽ bị chết sớm, ngoại trừ khi họ bỏ hút thuốc ngay từ bây giờ.

(AFP 05.04.2017)

Mai Anh








All the contents on this site are copyrighted ©.