2017-04-21 16:51:00

Thánh vịnh 80


Thánh vịnh 80 là một lời than van công cộng khác của sưu tập Asaf, nhưng khác biệt về hình thái bề ngoài cũng như về nội dung.  Liên quan tới hình thái thánh vịnh 80 được chia thành 5 đoạn có điệp khúc hơi thay đổi “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ “ trong các câu 4.8.15.16 và 20. Đặc biệt  có hậu quả không thể so sánh được là cách nói bóng bẩy cây nho - vườn nho. Nó cũng có chỗ trong các lời than van  tương tự khác, trong đó các việc diệu kỳ Thiên Chúa làm cho dân Israel cũng được nhắc tới. Liên quan tới nội dung cần ghi nhận rằng trong khi các thánh vịnh 74 và 79 có đối tượng chính là việc xúc phạm làm ô uế đền thờ với việc tàn phá thành thánh – xảy ra năm 587 trước công nguyên – thì ở đây sự chú ý của cộng đoàn xem ra di chuyển về miền Bắc, nghĩa là chú ý tới các chi tộc của Giuse là Efraim Manasse và Bengiamin, và điều này hướng chúng ta về một biến cố khác của lịch sử Israel, là năm 722 trước công nguyên, khi thủ đô Samaria của vương quốc miền Bắc thất thủ và rơi vào tay  đạo binh Assiri. Một cách chính xác hơn thánh vinh 80 được giải thích một cách tốt đẹp hơn trong khung cảnh của nỗ lực quảng đại nhưng vô ích của việc tái thiết  toàn Israel, do vua Giosia phát động. Với sự suy đồi của đế quốc Assiria vào các năm 625-612 trước công nguyên nhà vua nghĩ rằng đã tới lúc tái thu hồi các vùng của vương quốc miền Bắc và lấy lại các ranh giới xưa kia của đế quốc do vua Đavít thành lập.

Văn thể là lời than van công cộng. Thánh vịnh bao gồm lời khẩn nài dẫn nhập, các câu 2-4; cách nói bóng bẩy xa xôi cây nho, các câu 5-16; và lời cầu kết thúc, các câu 17-20.

Thánh vịnh được dẫn nhập bởi một lời kêu lên Thiên Chúa  với các tước hiệu hay đẹp là “mục tử” và “người chăn nuôi đoàn chiên Israel”, “Đấng ngự trên ngai giữa dân Ngài”. Tất cả các tước hiệu đều linh hứng sự tin tưởng và an ninh. Tín hữu cầu xin Thiên  Chúa làm sáng lên gương mặt Đấng tái thiết, và trao ban sự sống cho đoàn chiên của Ngài, và đặc biệt quy chiết các chi tộc miền Trung - Bắc, truớc kia là vương quốc tách rời khỏi Israel, đã bị quân xâm lăng Assiri xoá sổ.

“Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy. Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ.
Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.”

“”Mục tử nhà Israel”: là hình ảnh được áp dụng cho Thiên Chúa  và quy chiếu thời gian dân Israel lữ hành trong sa mạc Sinai, nghĩa là thời gian sống kiếp du mục của các thế hệ cha ông (Tv 77,21; 78,52). Đây cũng là hình ảnh biểu tượng thông thường  cho người lãnh đạo trong toàn vùng Trung Đông Cổ xưa kia. Một giải thích cho tước hiệu này có thể là lời Giacóp chúc phúc cho Giuse trước khi qua đời, như ghi trong chương 49 sách Sáng Thế: “Giu-se là cây sai quả, cây sai quả bên suối;  các cành nó vượt qua tường. Những người bắn cung đã khiêu khích, đã bắn tên và tấn công nó. Nhưng cây cung của nó vẫn vững vàng, và những cánh tay của nó vẫn lanh lẹ, nhờ tay Đấng Vạn Năng của Gia-cóp, nhờ danh Vị Mục Tử, Tảng đá của Ít-ra-en. Xin Thiên Chúa của cha con phù trợ con, Xin Thiên Chúa toàn năng chúc phúc cho con!” (St 49,22-25). Thánh vịnh 23 cũng mở đầu với hình ảnh này: “Giavê là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1).

“Giuse”: việc nhắc đến tên Giuse là một đặc thái của sưu tập Asaf (Tv 77,16; 78,68; 81,6), trong khi nó đưa chúng ta tới với các chi tộc miền Bắc. Ở đây nó song song với Israel, và ám chỉ toàn dân Israel, tức quốc gia được tuyển chọn chưa bị phân rẽ thành hai vương quốc Bắc Nam. Thật thế, tên gọi Giuse nhắc tới ý tưởng  của nhà Israel được cứu rỗi và phong phú, cả khi sống trong vùng đất ngoại quốc (St 46-47).

“Đấng ngự trên các Kêrubim”: là tước hiệu có nguồn gốc tiền Israel, nghĩa là Canaan, và xuất hiện với sự kiện Hòm Bia giao ước được đặt tại trung tâm thờ tự Shilo. Tước hiệu này được tìm thấy lần đầu tiên trong sách Samuel lI chương  4,4. Với việc vua Đavít rước Hòm Bia về Giêrusalem, tước hiệu này cũng di cư về thủ đô mới của quốc gia, và bước vào trong truyền thống phụng tự của núi Sion, như gặp trong nhiều thánh vịnh (18,11; 97,2; 99,1).

“Efraim, Bengiamin và Manasse” đại diện cho các chi tộc thuộc vương quốc miền Bắc, làm thành “nhà tạm của Giuse” (Tv 78,67), vì Efraim và Manasse là con của Giuse, trong khi Bengiamin là em duy nhất của Giuse, cùng mẹ và được yêu thương đặc biệt.

“Xin hãy loé sáng” là động từ diễn tả sấm chớp, nhưng cũng để miêu tả sự tỏ hiện chói loà  của Thiên Chúa Thẩm Phán từ Sion (Tv 50,2; 94,1). Lời khẩn nài sự tỏ hiện “cứu giúp” của các chi tộc miền Bắc đang gặp hiểm nguy hay đã bị thù địch tàn phá.

“Xin hãy đánh thức quyền năng của Ngài”: Israel xin Chúa ra khỏi thái độ không ngó ngàng gì tới dân được tuyển chọn, ra tay can thiệp chiến đấu và cứu giúp. “Ôi lậy Thiên Chúa các đạo binh”: là điệp khúc xin Chúa tái đưa Israel vào trong sự huy hoàng xưa kia, là phản ánh gương mặt nhân từ và trao ban sự sống của Ngài.

Các câu 5-16 là phần chính của thánh vịnh 80 bao gồm lời than van hay trình bầy trường hợp (cc.5-7) và việc khai triển nó với một kiểu nói bóng bẩy xa xôi cây nho-vườn nho (cc.9-16), trong chủ ý của cộng đoàn là lý do thuyết phục: khi nhớ tới lòng nhân từ đối với Israel Thiên Chúa sẽ được thúc đẩy can thiệp trợ giúp họ trong hoàn cảnh hiện tại.

”Lạy Giavê là Chúa Tể càn khôn, đến khi nao Chúa còn nóng giận,
chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu? Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan. Ngài đã khiến chúng con thành cớ
cho lân bang cãi cọ tranh giành, cho thù địch nhạo cười chế giễu. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ. Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi. Bóng um tùm phủ xanh đầu núi,
cành sum sê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả. Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh.”

“Cho tới khi nao?”: là câu hỏi thường tình trong lời cầu không kiên nhẫn của kẻ khổ đau và không nhận ra dấu chỉ nào cho thấy kết thúc của các khắc khoải khổ đau đó, như tác giả thánh vịnh 13 hỏi Chúa: “Lạy Giavê, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?
Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi? (Tv 13,2-3).

“Ngài đã cho họ”: ám chỉ các chi tộc miền Bắc bị quân binh Assiri áp bức , và cộng đoàn Israel tụ tập trong đền thờ Giêrusalem đang khẩn cầu cho. “Bánh của nước mắt”: nước mắt khổ đau như bánh ăn.

“Đối tượng của chê cưòi”: sự kiện hàng xóm láng giềng và thù địch nhạo cười chê bai là đề tài hay gặp trong các lời than van cá nhân cũng như cộng đoàn. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 79 thở than với Chúa: “Chúng con bị láng giềng thoá mạ người chung quanh phỉ báng nhạo cười. Đến bao giờ, lạy Giavê, Ngài còn nổi giận, Ngài nổi giận mãi sao? Đến bao giờ lòng ghen còn cháy bừng như lửa?” (Tv 79,4-5).

“Một cây nho” là hình ảnh phúng dụ, từ câu 13 trở đi trở thành “vườn nho.” Từ ghefen trong tiếng do thái có lẽ lấy hứng từ sự kiện tổ phụ Giacóp so sánh Giuse với cây sai qủa, mọc bên nguồn nước có cành leo qua tường: “Giu-se là cây sai quả, cây sai quả bên suối; các cành nó vượt qua tường.” (St 49,22). Ngôn sứ Hosea gọi Israel là “một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú.” (Hs 10,1). Đây cũng là hình ảnh được các ngôn sứ Isaia, Gêrêmia và Edekiel dùng để miêu tả dân Israel (Is 27,2; Gr 12,10; Ed 19,10). Nhưng văn bản cổ điển nổi tiếng nhất là “bài ca vườn nho” chương 5 câu 1 tới 7 sách ngôn sứ Isaia diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Israel. Là loài nho tuyển chọn được chăm nom vun xới, nhưng Isarel lại cho trái chua, nên bị Thiên Chúa bỏ hoang tàn, người qua dẵm lên và dã thú phá phách. Để trồng loài nho quý ấy Thiên Chúa đã đuổi các dân tộc Canaan để lấy chỗ làm đồn diền trồng nho Israel (Tv 44,3; 78,5; Xh 15,17).

Đất Palestina bao gồm các ngọn núi của ba vùng Giuđa, Samaria và Galilea từ nam tới bắc làm thành xương sống của Đất Hứa. “Bá hương của Thiên Chúa” là một kiểu diễn tả tột bực thơ văn (Tv 36,7; 104,16). “Cho tới biển …cho tới sông”: ở đây là biển Địa Trung Hải ở mạn tây và sông Eufrate ở phiá đông đánh dấu biên giới đế quốc của vua Đavít, cả khi chỉ có trên danh nghĩa. Chúng là giấc mộng việc tái lập Israel là cộng đoàn tín hữu xin với Thiên Chúa.

“Tường rào nó tại sao Ngài phá đổ?”: tác giả trở lại với đề tài than van trong hình thái câu hỏi. Trong bài ca vườn nho Thiên Chúa đã đe dọa việc phá đổ tường rào này. Đó cũng là điều tác giả thánh vịnh 89 thở than với Chúa: “Chúa tiêu huỷ giao ước với người nghĩa bộc, quăng vương miện Người xuống đất đen. Mọi tường luỹ của Người, Chúa đều phá đổ, thành trì kiên cố cũng đập tan hoang. Người bị khách qua đường mạnh ai nấy cướp, bị hàng xóm láng giềng thoá mạ.” (Tv 89,41-42).

“Lậy Giavê các đạo binh xin trở lại”: Thiên Chúa đã cho phép việc tàn phá vườn nho của Ngài và rời xa vườn nho, giờ đây được tín hữu van nài trở lại với phước lành của thời xa xưa. Thiên Chúa ngự trên các thần Kerubim ở trên Trời đưa cái nhìn thương xót của Ngài trên nỗi khổ đau của dân Ngài.

Các câu 17-20 đoạn cuối của thánh vịnh 80 là cái nhìn trên vườn nho đã bị cắt tiả và thiêu rụi (c. 17a), lời cầu báo oán chống lại các thù địch tàn phá vườn nho (c. 17b),  một lời khấn nguyền cho người được Thiên Chúa chọn cho việc tái thiết (c.18), rồi một lời hứa trung thành của Thiên Chúa từ phiá cộng đoàn Israel được hồi sinh (c. 19), và sau cùng là điệp khúc (c.20).

“Những người đã hoả thiêu chặt phá, Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan. Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh. Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài. Lạy Giavê là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.”

“Người của tay phải Ngài”: là vị vua thần quyền trong ngày lên ngôi đã được ở bên phải Thiên Chúa, nghĩa là được tham dự vào vương quyền của Thiên Chúa, đồng thời, ít nhất trên bình diện lý tưởng, có quyền thống trị trên các địch thù. Ở đây có lẽ đó là vua Giosia. Cũng có nhà chú giải so sánh hai kiểu nói “người của tay phải Ngài - ish yeminikha” và “con người bengiamin - ben-ish yemini” của văn bản sách Samuel I chương 9 câu 1 ám chỉ Saul, quy chiếu lời cầu của thánh vịnh cho vua Saul và ám chỉ tình cảnh thê thảm mà dân Israel đã phải sống trước áp lực của người Philitinh thời tiền đavít.

“Con người” là kiểu nói sau này của nền văn chương khải huyền sẽ có một ý nghĩa đặc biệt cánh chung (Đn 7,13-15). Ở đây cũng như các nơi khác nó ám chỉ con người một cách đơn thuần, chứ không phải nhân vật được nói tới trong chương 7 sách Daniel. Chúa Giêsu sẽ dùng kiểu nói này để ám chỉ chính Ngài.

TV 80

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.