2017-04-30 09:32:00

Thánh vịnh 81


Dân được tuyển chọn được mời gọi trung thành với giao ước ký kết với Thiên Chúa: Tv 81)

Thánh vịnh 81 là một sáng tác “phụng vụ” vì bao gồm nhiều yếu tố không làm thành một đơn vị văn chương có tổ chức. Dầu sao đi nữa người ta có thể nhận ra một cách dễ dàng các đề tài của phụng vụ ca tụng lòng trung thành của Giavê, một cách tốt hơn thánh vịnh 78 rất dài. Trong số các đề tài chính của loại văn thể này có lời mời gọi toàn dân Israel  tham dự phụng vụ (cc.2-4); nghi thức lời xin giải thích (c. 6a); suờn của diễn văn kỷ niệm (cc.7-8); lời cảnh cáo (c. 9) tiếp theo là luật của giao kèo: phải tôn thờ Giavê như Thiên Chúa duy nhất (cc.10-11b); lời trách cứ sự bất trung của dân Israel (cc.12-13); sau cùng là các lời hứa (c.14-17).

Văn thể là phụng vụ cử hành lòng trung thành của Giavê. Thánh vịnh gồm phần nhập đề, các câu 2-6; phần phụng vụ, các câu 7-13; và các lời hứa sau cùng, các câu 14-17.

Không giống các thánh vịnh khác thuộc loại này thánh vịnh 81 được giới thiệu trong bối cảnh phụng vụ nguyên thuỷ của nó, không chỉ qua trung gian lời mời gọi chúc tụng Thiên Chúa của Israel với các bài thánh ca và tiếng nhạc đệm, mà cả với việc nhắc nhớ thời gian lễ hội chuyên biệt bắt đầu từ tuần trăng mới cho tới khi trăng tròn (c. 4) và với việc nêu bật một lệnh truyền chính xác từ thời xa xưa trong lịch sử Israel, tức từ khi Israel ra khỏi Ai Cập (cc.5-6b).

“Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta! Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Gia-cóp! Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm,

bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt. Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ. Đó là luật Ít-ra-en phải cứ, Thiên Chúa nhà Gia-cóp đã phán truyền. Chỉ thị này, nhà Giu-se đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi. Một giọng nói tôi nghe khác lạ”.

Lời mời gọi Israel tung hô Thiên Chúa với tiếng đàn tiếng hát ở đây cũng cũng giống như trong thánh vịnh 95: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Giavê, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,

cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95,1-2). Tác giả thánh vịnh 105 cũng mời gọi dân Chúa như sau: “Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn Giavê, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân. Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người. Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm Giavê, nào hoan hỷ.” (Tv 105,1-3). Còn tác giả thánh vịnh 106 thì kêu lên: “Ha-lê-lui-a. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 106,1).

“Trống cơm, thất huyền cầm, hạc cầm” là những nhạc cụ thường được dùng để đệm các bài thánh ca chúc tụng mà dân Israel dâng lên Thiên  Chúa trong các lễ nghi phụng tự. Tác giả thánh vịnh 150 mời dân chúng như sau: “Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và, ca tụng Người, hoạ tiếng cầm tiếng sắt. Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa, ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo. Ca tụng Chúa đi, với chũm choẹ vang rền, ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi” (Tv 150,3-5).

“Hãy thổi kèn”: luật thổi kèn được ghi trong chương 10 sách Dân Số như sau: “Khi triệu tập đại hội, thì thổi kèn, nhưng không với tiếng kèn tung hô. Các con trai của A-ha-ron, là các tư tế, sẽ thổi kèn. Và đó là điều luật vĩnh viễn cho các ngươi và cho dòng dõi các ngươi. Khi các ngươi xuất trận, trong đất nước các ngươi, chống lại kẻ thù tấn công, các ngươi sẽ thổi kèn với các tiếng kèn tung hô, và Giavê, Thiên Chúa của các ngươi, sẽ nhớ đến các ngươi và cứu các ngươi khỏi quân thù. Trong ngày vui mừng của các ngươi, cũng như trong các đại lễ đã quy định, và các tuần trăng mới, các ngươi sẽ thổi kèn, khi dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an. Điều đó sẽ làm cho Giavê, Thiên Chúa của các ngươi, nhớ đến các ngươi. Chính Ta là Giavê, Thiên Chúa của các ngươi." (Ds 10,7-10).

“Trăng mới … trăng đầy” ám chỉ ngày lễ. Lễ này chắc là lễ Đầu năm mới, trăng mới của tháng Tishri, gắn liền với Lễ Lều của trăng đầy cùng tháng tương đương với tháng 9 tháng 10 , cũng được gọi trống là “Lễ”. Đây là dịp dân Israel cử hành lễ chúc tụng lòng trung thành của Giavê như viết trong sách Đệ Nhị Luật chương 31: “Ông Mô-sê truyền cho họ rằng: "Sau bảy năm, vào thời kỳ có năm tha nợ, trong dịp lễ Lều, khi toàn thể Ít-ra-en đến để ra trình diện Giavê, Thiên Chúa của anh (em), ở nơi Người chọn, anh (em) phải đọc luật này trước toàn thể Ít-ra-en, cho họ nghe. Anh (em) hãy tập hợp dân, đàn ông, đàn bà, trẻ con và người ngoại kiều ở trong các thành của anh (em), để họ nghe và để họ học cho biết kính sợ Giavê, Thiên Chúa của anh (em), và lo đem ra thực hành mọi lời của luật này” (Đnl 31, 10-12).

“Sắc lệnh… quy chế” là các từ thường gặp trong ngôn ngữ đệ nhị luật. “Nhà Giuse” ở đây ám chỉ Israel, dân được tuyển chọn, trong thời thịnh đạt sống bên Ai Cập.

“Một ngôn ngữ mà tôi cảm thấy không biết”: là câu hỏi lễ nghi do một người hiện diện đưa ra liên quan tới ý nghĩa của các cử chỉ và các lời loan báo bí nhiệm, để dẫn nhập cho diễn văn tưởng niệm theo sau, như viết trong sách Đệ Nhị Luật chương 6: “Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: "Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà Giavê, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị?  Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): "Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng Giavê đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập. Trước mắt chúng ta, Giavê đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai-cập, phạt Pha-ra-ô và tất cả triều đình vua ấy" (Đnl 6, 20-21).

Các câu 7-13 là phần chính của thánh vịnh 81, tức diễn văn kỷ niệm gợi lại một cách ngắn gọn việc giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ và sự áp bức của người Ai Cập, và nhắc tới biến cố dân Israel thử thách Thiên Chúa tại mạch nước Meriba (cc.7-8). Tiếp đến là lời cảnh cáo với điều luật chính mà Israel phải tuân giữ: đó là chỉ thờ phượng Giavê là Thiên Chúa duy nhất, và phải loại trừ mọi thần linh ngoại giáo khác (cc. 9-11).  Sau cùng là lời quở trách sự bất trung của dân với hậu quả là họ sẽ bị Thiên Chúa bỏ rơi (vv. 12-13).

“rằng: "Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho, tay họ thôi cầm chiếc ki người nô lệ. Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên, Ta liền giải thoát. Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời, bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi. "Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta, thì đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái. Chính Ta là Giavê Chúa ngươi, đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập, há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ. "Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời, Ít-ra-en nào đâu có chịu. Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá, muốn đi đâu thì cứ việc đi!”  

“Ta đã giải thoát gánh nặng” ám chỉ công việc nặng nhọc con cái Israel đã phải làm bên Ai Cập như miêu tả trong chương 1 sách Xuất Hành: “Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết… Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.” (Xh 1,11.13-14).

“Các ngươi đã kêu lên Ta trong nỗi âu lo”: như viết trong chương 2 sách Xuất Hành: “Sau những năm dài ấy, vua Ai-cập qua đời. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp.” (Xh 2,23-24).

“Cuộn trong mây”: dịch sát chữ là “trong sự dấu ẩn của tiếng sấm” là kiểu diễn tả thơ văn chỉ tìm thấy ở đây. Tiếng sấm là yếu tố diễn tả sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa như tả trong thánh vịnh 77: “Tiếng sấm của Chúa ầm ầm vang dội, ánh chớp chói loà soi sáng thế gian, khắp địa cầu lung lay rung chuyển” (Tv 77,19). “Ta đã trả lời”: có nghĩa là “Ta đã nhận lời”

“Ta đặt ngươi vào trong thử thách”: việc thử thách tại Massa và Meriba nói chung được trình bầy như việc con cái Israel thử thách Thiên Chúa và là một đề tài đặc thù của các buổi cử hành phụng vụ này, như viết trong thánh vịnh 78: “. Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu, khiến nước tuôn tràn cho dân được uống, họ chủ tâm thách thức cả Chúa Trời, đòi được ăn cho vừa sở thích.” (Tv 78,15.18).. Tác giả thánh vịnh 95 cũng ghi lại lời Thiên Chúa nhắn nhủ dân Israel như sau: “"Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95,8). Tuy nhiên, ở đây trong thánh vịnh 81 nó lại là một thử thách Thiên Chúa đưa ra cho Israel. Điều này nêu bật mục đích của thử thách trong sa mạc là để thanh tẩy họ.

“Hãy lắng nghe”: là công thức được lập đi lập lại nhiều lần trong ngôn ngữ đệ nhị luật ( Đnl 4,1; 5,1 …). Nó thường được dùng để mở đầu lời cảnh cáo như trong thánh vịnh 71: “Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo, lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi.” (Tv 78,1)

“Ta muốn cảnh giác ngươi” dịch sát chữ là “Ta muốn làm chứng chống lại ngươi”, là kiểu nói tự nó diễn tả lời tố cáo, sự trách mắng, như viết trong sách Đệ Nhị Luật chương 31: “Hãy tập hợp lại chung quanh tôi hết mọi kỳ mục của các chi tộc anh em và các ký lục của anh em; tôi sẽ nói cho họ nghe những lời này, và lấy trời đất làm chứng cáo tội họ.” (Đnl 31,28).

“Sẽ không có nơi ngươi…”: là điều răn thứ nhất của Mười Lời hay Muời Điều Răn của Chúa. Nó được diễn tả một cách khác trong chương 20 sách Xuất Hành như sau: “Sẽ không có các thần nào khác cho ngươi, ngoại trừ Ta” (Xh 20,3).

“Ta là Giavê”: là công thức của sự mạc khải và của giao ước của Thiên Chúa của dân Israel, thường được để ở đầu bản Mười Điều Răn như viết trong chương 20 sách Xuất Hành: “Ta là Giavê, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2).

“Hãy mở miệng ra”: có thể là một tiếng nói can thiệp trong buổi cử hành phụng vụ, nhưng cũng có thể là lời trực tiếp mời dân hưởng nếm các ân lộc của Thiên Chúa qua việc tuân giữ các điều răn  của Ngài , như viết trong chương 32 sách Đệ Nhị Luật: “Duy một mình Giavê lãnh đạo dân;
chẳng có thần ngoại bang nào bên cạnh Chúa. Người cho nó phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, nó được ăn hoa màu đồng ruộng;
Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương;  nếm sữa bò chua và sữa chiên dê, với mỡ chiên con, chiên đực miền Ba-san, mỡ dê đực, với lúa mì tinh hảo; ngươi uống máu trái nho đã hoá rượu nồng.” (Đnl 32,13-14); hay để nhận sự dậy bảo tràn đầy của Thiên Chúa với con tim rộng mở.

“Nhưng dân Ta đã không lắng nghe… đã không vâng lời”: diễn tả thái độ nổi loạn và bất tuân của dân Israel đối với điều Thiên Chúa cống hiến là các đề tài đặc thù của truyền thống đệ nhị luật, như viết trong thánh vịnh 78: “Họ không giữ giao ước với Chúa Trời, và chẳng chịu sống theo luật Chúa… Nhưng dân lại càng phạm tội mất lòng Chúa, phản nghịch cùng Đấng Tối Cao tại miền hoang địa… Thế mà dân cứ phạm thêm bao tội lỗi, chẳng buồn tin việc lạ Chúa làm” (Tv 78,10.17.32).

“Vì thế Ta đã bỏ ngươi”: Trước con tim chai cứng của dân Israel Thiên Chúa bỏ mặc họ đi theo điều họ muốn. Đó đã là điều được viết trong chương 32 sách Đệ Nhị Luật: “Giavê thấy vậy thì khinh miệt, vì con trai con gái Người đã trêu giận Người. Người phán: "Ta sẽ ẩn mặt đi không nhìn chúng, để xem hậu vận chúng ra sao; vì chúng là giống nòi tráo trở, những đứa con chẳng chút tín trung.” (Đnl 32,19-20). Trái tim chai cứng là kiểu diễn tả  hay được ngôn sứ Giêrêmia dùng để miêu tả cung cách sống của dân Do thái, chẳng hạn như trong chương 7: “Nhưng điều Ta truyền cho chúng là: Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc. Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến” (Gr 7,23-24).

Các câu 14-17 kết thúc phần phụng vụ của thánh vịnh 81 ghi lại lời Thiên Chúa công bố  sẵn sàng trao ban các  ân lộc cho dân Ngài, nếu họ trung thành với giao ước của Ngài (c. 14) Chúng bao gồm an ninh quốc gia, và việc hạ nhục quân thù của họ (cc. 15-16) và sự phong phú vật chất bao gồm việc yểm trợ các phương tiện phong phú (c. 17).

“"Ôi dân Ta mà đã nghe lời, Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ, thì hết những địch thù của chúng, những kẻ hà hiếp chúng xưa nay, Ta tức khắc trở tay quật ngã; "Kẻ thù Giavê sẽ cầu thân nịnh bợ, ấy là số phận chúng muôn đời; còn dân Ta, Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê."

“Ta sẽ hạ nhục các thù địch của nó và giơ tay chống lại các kẻ chống lại nó”: việc tiêu diệt ác quốc gia thù địch của Israel là đề tài quan trọng trong các văn bản Đệ Nhị Luật, như viết trong chương 7 và chương 32  sách Đệ Nhị Luật: “Giavê, Thiên Chúa của anh (em), sẽ dần dần đuổi các dân tộc đó cho khuất mắt anh (em); Người sẽ trao các vua của chúng vào tay anh (em), anh (em) sẽ làm cho tên chúng biến mất không còn dấu vết trong thiên hạ, và không ai sẽ đứng vững được trước mặt anh (em), cho đến khi anh (em) tiêu diệt chúng.” (Đnl 32, 22.24).

“Ta sẽ nuôi chúng bằng luá mì tình hảo và cho thoả thuê mật ong của đá tảng”: diễn tả viễn tượng cuộc sống phong phú sung túc trong vùng Đất Hứa, Thiên Chúa ban cho Israel.

Linh Tiến Khải

 








All the contents on this site are copyrighted ©.