2017-07-02 17:42:00

Thánh vịnh 87


Thánh vịnh 87 là một thánh ca Sion giống như hai thánh vịnh 46 và 48 của sưu tập I và thánh vịnh 76 và 84 của sưu tập III. Văn bản của thánh vịnh bị nghi ngờ là đã được sửa chữa và có vài kiểu diễn tả có tính cách bói toán, nên thánh vịnh đã có nhiều kiểu giải thích khác nhau, mặc dù nó không dài lắm. Truớc hết là vấn nạn liên quan tới văn bản. Vì văn bản có nhiều  từ và kiểu diễn tả không chắc chắn, nhất là trong các câu từ 4 tới 7,  nên có vài dấu chỉ khiến người ta nghĩ tới việc sắp xếp các câu không phải của việc biên soạn nguyên thủy. Chính vì vậy vài học giả đề nghị thứ tự các câu trong thánh vịnh 87 như sau: 1b. 5b. 2. 3. 6cab. 4. 5. 7. Các học giả khác trái lại đề nghị thứ tự sau đây: 2. 1b. 5b. 7. 3. 6a. 4a. 5a. Tuy nhiên, nếu đã có việc tái soạn thảo, cần phải công nhận rằng mọi cố gắng tái lập trật tự nguyên thủy không đi xa hơn một dự phóng đơn sơ, cho dù nó có khéo léo thế nào đi nữa. Việc tạo dựng lại khung cảnh sống động trong đó thánh vịnh được biên soạn lại còn khó khăn hơn nữa. Theo học giả Schmidt nó là một cuộc rước kiệu phụng vụ. Theo học giả Kraus thì thánh vịnh 87 là một vũ điệu phụng tự, như vũ điệu được miêu tả trong sách Samuel II chương 6 nhân dịp rước Hòm Bia vào thành Giêrusalem. Theo học giả Mowinckel thì nó là lễ đăng quang của  Giavê. Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận rằng không nên vượt quá các dự phóng, vì văn bản thiếu các dữ kiện chắc chắn. Sau cùng còn có vấn đề giải thích nền tảng: học giả  Mowinckel coi đó là việc công bố  vương quyền của Giavê trên mọi dân tộc. Còn học giả Kraus cho rằng đó là việc công bố Giêrusalem là mẹ của mọi người dân Israel cùng với các tín đồ được chiêu dụ sống rải rác khắp nơi tại hải ngoại. Học giả Castellino lại cho đó là quan niệm về thành Giêrusalem cứu thế và cánh chung của vương quốc đại đồng của Giavê, trong đó mọi dân tộc, trước kia là các địch thù dễ sợ và bị thù ghét  của dân được tuyển chọn, có quyền công dân và cùng các con cái của Israel làm thành một gia đình duy nhất, vì giờ đây tất cả mọi người đều là con cái của cùng một mẹ. Có lẽ chúng ta phải thừa nhận kiểu giải thích cuối cùng này, bởi vì trong quan niệm này thánh vịnh 87 được lồng khung trong truyền thống văn chương và thần học lớn của các ngôn sứ của việc tái thiết, một cách đặc biệt của ngôn sứ Isaia II.

Văn thể là thánh thi Sion. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập tán tụng Sion, các câu 1b tới 3; danh sách các dân tộc như là con cái của Sion, các câu 4 tới 6; và khẳng định kết thúc, câu 7.

Các câu 1b-3 mở đầu thánh vịnh có các kiểu diễn tả vinh danh trao ban giọng điệu cho toàn thánh vịnh và được xếp vào loại các thánh thi  Sion.

“Thành Xi-on được lập trên núi thánh. Giavê yêu chuộng cửa thành hơn mọi nhà của dòng họ Gia-cóp. Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!”

“Các nền tảng của nó trên các núi thánh thiêng”: vì hai chữ “của nó” chắc chắn câu này thiếu vế đi trước. Trừ khi người ta hiểu ngầm nó quy chiếu một vật không đuợc diễn tả rõ ràng trong ngôn ngữ - ở đây cũng như trong toàn thánh vịnh - thường không nêu rõ danh tánh một vật hay một người hiện diện trong tâm trí, chẳng hạn như trong trường hợp chương 60 sách ngôn sứ Isaia, trong đó Sion, nhân vật chính của toàn thánh thi, chỉ được nêu danh ở câu 14. Liên quan tới việc Giavê thành lập Sion ngôn sứ Isaia viết trong chương 14: “Trả lời sao đây cho sứ giả của dân ấy? Hãy trả lời rằng: Giavê đã củng cố Xi-on, và kẻ nghèo khó trong dân Người vào đó náu ẩn.” (Is 14,32).

“Trên núi thánh” dịch sát chữ là trên “các núi của sự thánh thiện”. Số nhiều ở đây là số nhiều làm mạnh ý đặc biệt được dùng cho các nơi thánh như các lều thánh, các trung tâm thờ tự, các tiền đường vv. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ các dấu vết của vài ý niệm của thế giới vùng Trung Đông Cổ liên quan tới thế giới lý tưởng gồm các đền thánh và nơi thờ tự thiên quốc. Gần với văn bản của chúng ta nhất là thánh vịnh 78 câu 69, trong đó có nói tới việc Thiên Chúa xây đền thánh trong các từ diễn tả thế giới bên trên bầu trời: “ Chúa xây thánh điện Người như trời xanh cao thẳm, và cũng như trái đất Người đặt vững muôn đời.” (Tv 78,69): dịch sát chữ là Chúa xây “các nơi cao thẳm”. Thánh vịnh 36 thì nói tới các núi của Thiên Chúa đối nghịch với “vực thẳm lớn”: “ Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm. Lạy Chúa, Ngài tế độ con người và súc vật.” (Tv 36,7).

“Ngài yêu thích các cửa của Sion hơn tất cả các nơi ở của nhà Giacóp”: đây là tình yêu tuyển chọn khiến cho Giavê không lựa “lều của nhà Giuse” nhưng chọn chi tộc Giuđa, núi Sion như viết trong thánh vịnh 78: “Chúa loại bỏ nhà Giu-se, chi tộc Ép-ra-im, Người không tuyển chọn, nhưng tuyển chọn chi tộc Giu-đa và núi Xi-on, nơi Người ưa thích.” (Tv 78,67-68). Từ khẳng định này có lẽ vang vọng một cách xa xôi sự đối kháng chính trị tôn giáo giữa các chi tộc miền Bắc và các chi tộc miền Nam và với các người đi đầy bên Babilonia trở về sống tập trung trong vùng Giuđêa chung quanh Giêrusalem.

“Người ta nói các điều tuyệt diệu”: tác nhân của việc nói trước này hay của lời hứa, tự nó không ngôi vị là Thiên Chúa. “Thành của Thiên Chúa”, trong thánh vinh 48 là “thành của Thiên Chúa chúng ta” được diễn tả trong câu tiếp theo một cách khác là “thành của Vua Cả”.

Đề tài của các câu 4-6 của thánh vịnh 87 được nêu lên trong khẳng định “Người này đã sinh ra tại đó” ở cuối câu 4.5.6. Trong ba câu thì câu thứ nhất là một lời nói của Thiên Chúa, tức một lời sấm, được nhận ra bởi chủ từ ngôi thứ nhất “Ta sẽ viết tên” và bổ túc từ “ta”. Câu thứ hai là một suy tư của tác giả thánh vịnh và câu thứ ba là một khẳng định thuộc loại biểu tượng khải huyền.

Chúa phán: "Ta sẽ kể Ba-by-lon và Ai-cập vào số những dân tộc nhận biết Ta. Kìa xứ Phi-li-tinh, thành Tia cùng xứ Cút: tại đó, kẻ này người nọ đã sinh ra." Nhưng nói về Xi-on, thiên hạ bảo: "Người người sinh tại đó." Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành. Giavê ghi vào sổ bộ các dân:
"Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó."

 “Ta sẽ ghi tên” dịch sát chữ là “Ta sẽ làm cho nhớ tới”. Nghĩa của từ “ghi danh” hazkir được gợi ý bởi việc giống với nhiệm vụ của mazkir là viên thư ký có nhiệm vụ “nhắc nhở” nhà vua bằng cách viết ra điều vua phải làm. Thì tương lai có nghĩa đây là một lời hứa  của Thiên Chúa, và việc thành toàn được dự kiến trong một thời đại sẽ tới.

“Rahab” là con thuỷ quái hay quái vật sống dưới nước, thuỷ thần là hình ảnh hay đuợc nhắc tới trong các văn bản thần thoại của việc tạo dựng, như viết trong thánh vịnh 89: “ Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ,
dẹp yên bao sóng cả sóng cồn. Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi, tay mạnh mẽ đập tan quân thù.” (Tv 89,10-11). Hình ảnh này cũng được nhắc tới trong các văn bản anh hùng ca của biến cố xuất hành vượt qua Biển Đỏ, như được ngôn sứ Isaia viết trong chương 51: “Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy Giavê, xin vung mạnh cánh tay của Ngài! Xin thức dậy như những thời trước, như những ngày xưa.
Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Ra-háp, đã xé xác thuồng luồng đó sao? Chẳng phải chính Ngài đã làm khô biển cả, tát cạn nước đại dương, vạch dưới lòng biển sâu một con đường cho đoàn người được chuộc về có lối băng qua đó sao?” (Is 51,9-10). Qua việc sử dụng cuối cùng này Rahab cũng ám chỉ Ai Cập cả trong các văn bản sau này như trong chương 30 sách ngôn sứ Isaia: “Sự tiếp viện của Ai-cập chỉ là hư ảo và rỗng tuếch, vì thế Ta đã gọi Ai-cập là con thủy quái Ra-háp sa cơ.” (Is 30,7).

“Babel”: không chỉ đại diện cho thành Babilonia và đế quốc Babilonia nhưng cũng ám chỉ tất cả mọi dân tộc vùng Đông Medôpôtamia nữa.

“Philistea và Tiro”: trong khi nơi Ai Cập và Mêdôpôtamia người ta trông thấy các dân tộc đã áp bức dân được tuyển chọn từ phía đông nam (Ai Cập) và từ phía đông bắc (Babel), thì Philistea và Tiro diễn tả các dân tộc láng giềng của vùng dọc biển Địa Trung Hải, thường không thù nghịch với dân Israel. Sự thù nghịch của người Philitinh đã có trong thời xa xưa, thời các Thủ Lãnh tức trước vua Đavít.

“Cush” diễn tả vùng đất cực nam, là quốc gia có mặt trong chân trời của vương quyền đại đồng của Thiên Chúa của Israel, như viết trong thánh vịnh 68: “Hàng vương giả sẽ từ Ai-cập đến, còn xứ Cút sẽ dang tay cầu khẩn Chúa Trời.” (Tv 68,32).

“Giữa những kẻ nhận biết Ta”: là những người Israel trung thành với Thiên Chúa và họ là đối tượng của tình yêu thương và sự chở che của Thiên Chúa.

“Kẻ đó” cũng được dùng với giá trị tập thể, “đã sinh ra tại đó” ám chỉ hành động ghi tên của một cá nhân vào sổ bộ và được thừa nhận như người bản xử của vùng đất liên hệ. Sự kiện chính Thiên Chúa ghi tên các dân tộc “ngoại quốc”,  thường được hiểu là “thù địch” và “áp bức dân Do thái, khiến cho họ nhận được chức là con tinh thần, qua một loại nhận nuôi của Giêrusalem, và qua đó của chính Thiên Chúa. Đây chính là lý do khiến cho tác giả thánh vịnh đề cập tới các điều tuyệt diệu Thiên Chúa hứa cho thành thánh ngay trong đầu thánh vịnh .

Các lời sấm trong sách Isaia II khai triển rộng rãi sự phong phú ngoại thường của Sion thời cứu thế (Is 49,19.22; 54,1-3; 66,7-11). Chẳng hạn ngôn sứ viết trong chương 54: “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng – Giavê phán. Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc, vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc và đến ở trong các thành bỏ hoang.” (Is 54,1-3)

“Chính Đấng Tối Cao sẽ nâng đỡ nó”: dịch sát chữ là “Ngài khiến cho nó vững vàng, Đấng Tối Cao”. Thiên Chúa ban sự ổn định cho Sion và sau thời lưu đầy Ngài sẽ tái thành lập nó (Is 62,7)

“Giavê đếm số trong việc kiểm kê các dân tộc”: Việc ghi danh các người Israel đích thực là một  lo lắng dễ hiểu của thời tái thiết  hậu lưu đầy (Er 2,62; Ed 13,9), cũng như trong thời thành lập dân trong sa mạc (Ds 1.3,26). Di chuyển trên bình diện tinh thần nỗi âu lo đó dẫn đưa tới chỗ tưởng tượng ra các sổ bộ trên trời, được gọi là các kẻ sống, nghĩa là các người công chính, các chi thể sống động của cộng đoàn của Giavê. Từ đó phát xuất ra việc sử dụng rộng rãi mà nền văn chương khải huyền sau này, kể cả nền văn chương hợp quy đã dùng làm biểu tượng (Dn 12,1; Kh 20,15).

Thánh vịnh 87 kết thúc với một nốt tươi vui là một trong các đặc thái của các thánh ca Sion: “Và ai nấy múa nhảy hát ca: "Xi-on hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành." Nếu trước kia các con cái Sion đã là sự chế nhạo của các dân tộc, thì giờ đây họ có thể hãnh diện vui mừng vì sự biến đổi triệt để mà Giavê đã làm cho họ giữa các dân nưóc (Is 40-66).

Linh Tiến Khải

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.