2017-08-24 10:46:00

Thánh vịnh 89,20-52


Thánh vịnh 89 là một thánh thi vương quyền gồm phần dẫn nhập, các câu 2-5; thánh thi, các câu 6-19; lời sấm, các câu 20-38; và lời than van, các câu 39-52. Lần trước chúng ta đã tìm hiểu các câu 2-19. Hôm nay chúng ta tìm hiểu phần còn lại các câu 20-52, gồm lời sấm (cc. 20-38) và lời than van (cc. 39-52).

Các câu 20-38 là lời sấm liên quan tới vuơng triều đavít và trình bầy việc lựa chọn và xức dầu tấn phong Đavít (cc.20-22); chức làm cha của Thiên Chúa bảo đảm cho sự trường tồn của ngai báu (cc.23-30); các lời răn dậy và đe dọa chống lại các sai lệch từ phía các kẻ nối dõi (cc. 31-33); sự trung thành vô điều kiện của Thiên Chúa đối với giao ước của Ngài (cc.34-38)

”Xưa Chúa dùng thị kiến phán bảo những người hiếu trung rằng:"Ta phù trợ một trang dũng sĩ, cất nhắc lên một người trẻ trong dân. Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa-vít, đã xức dầu thánh tấn phong Người; Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng. Thù địch sẽ không lừa Người nổi, ác nhân chẳng sao hại được Người; trước mặt Người, Ta sẽ nghiền nát quân cừu địch, bọn thù ghét Người, Ta sẽ đập tan. Ta sẽ yêu thương Người và giữ lòng thành tín, nhờ danh Ta, Người được thêm uy vũ. Thế lực Người, ta cho trải dài đến Đại Dương, chủ quyền Người, cho mở rộng đến miền Sông Cả. Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! " Phần Ta, Ta sẽ đặt Người làm trưởng tử, cao cả hơn vua chúa trần gian. Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người. Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại, cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh. Nếu con cái Người bỏ không giữ luật Ta, chẳng sống theo điều Ta quyết định, vi phạm những thánh chỉ Ta ban xuống, chẳng tuân cứ mệnh lệnh Ta truyền, thì Ta sẽ dùng roi sửa phạt lầm lỗi, chúng gây nên tội, Ta phải đánh đòn. Nhưng với Người, Ta quyết chẳng đoạn tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín thất trung. Giao ước của Ta, Ta sẽ không vi phạm, miệng đã nói ra, Ta chẳng nuốt lời. Một khi đã thề với danh nghĩa là Đấng Thánh, thì cùng Đa-vít, Ta chẳng thất tín đâu.
Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ, trước mặt Ta, ngai báu Người bền vững tựa thái dương muôn đời kiên cố như vầng nguyệt đứng giữa trời cao làm nhân chứng trung thành."

“Xưa Chúa đã nói với các tín hữu Chúa trong thị kiến”: nhắc tới nguồn gốc lời sấm Thiên Chúa đã nói với ngôn sứ Nathan như kể trong chương 7 sách Samuel II. Tuy nhiên vì từ “các tín hữu Chúa” có thể nó bao gồm tất cả các lần lời sấm này được lập lại với các người thuộc dòng dõi vua Đavít, như viết trong thánh vịnh 132: “Giavê đã thề cùng vua Đa-vít và sẽ không thất tín bao giờ, thề rằng: "Chính con ruột của ngươi, Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng. Con cái ngươi mà giữ giao ước của Ta và mệnh lệnh Ta truyền cho chúng, thì con cái chúng đến muôn đời cũng sẽ được lên kế vị ngươi! " (Tv 132,11-12).

“Ta đã đặt vương miện trên một dũng sĩ, một người được tuyển chọn từ dân Ta đã nâng lên”: rõ ràng ám chỉ biến cố ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương cho Đavít như kể trong chương 16 sách Samuel I, và việc các chi tộc miền bắc thừa nhận vương quyền của Đavít như trình thuật trong chương 5 sách Samuel II. Đoạn cuối thánh vịnh 78 và thánh vịnh 132 khai  triển rộng rãi việc Thiên Chúa tuyển chọn Đavít.

Chính các lời hứa của Thiên Chúa khiến cho bàn tay của Ngài vững vàng mạnh mẽ che chở con người của vua (cc.22-26) cũng như các kẻ nối dõi tông đường trong tương lai (cc.30.34-38).

“Kẻ thù sẽ không thắng được nó”: trong lời hứa với vua Đavít qua ngôn sứ Nathan Thiên  Chúa nói thẳng với nhà vua (x. Tv 89,4-5; 132,11-12), nhưng cũng bao gồm các lời hứa với dân Israel (x. 2 Sm 7,10) và các lời hứa với “người thuộc dòng dõi” của vua là Salomon, cũng như với tất cả những người kế vị trong tương lai (2 Sm 7,12-13). Trong các lời hứa ấy các chủ từ ở ngôi thứ 3. Ở đây các lời hứa ở ngôi thứ 3 số ít hướng tới con người của vua Đavít.

“Và một người con của sự gian tà sẽ không áp bức nó”: diễn tả ý nghĩa cùng lời hứa của chương 7 câu 10 sách ngôn sứ Samuel II: “Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu”( 2 Sm 7,10).

“Ta sẽ tiêu diệt trước nó các thù địch của nó”: diễn tả cùng các điều đã được nói tới trong lời sấm của câu 9b trước đó: “Mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi” (2 Sm 7,9b).. 

“Lòng trung thành và thương xót của Ta sẽ ở với nó”: điều này được trực tiếp áp dụng cho vua Đavít và gián tiếp áp dụng cho dòng dõi vua. 

“Ta sẽ đặt tay nó trên biển và tay phải nó trên các sông”: câu này vang vọng lời đã hứa với vì vua lý tưởng là Đấng Messia của Israel, liên quan tới sự thống trị “từ biển này qua biển nọ và từ Sông Cả cho tới tận cùng bờ cõi trái đất” như viết trong thánh vịnh 72: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.  Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.” (Tv 72,7-8). Trong văn bản ở đây việc xác định địa lý này có tính cách tổng quát, hay đúng hơn là có tính cách thơ văn. Biển ở đây là biển Địa Trung Hải, còn các sông có lẽ là sông Nilo ở mạn tây nam và sông Euphrate ở mạn đông bắc: tức là từ Ai Cập cho tới Assiria.

“Nó sẽ kêu cầu Ta”: Trong lời sấm của ngôn sứ Nathan nó ám chỉ vua Salomon, người sẽ xây Nhà cho Giavê Thiên Chúa, như viết trong chương 7 sách Samuel II: “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.” (2 Sm 7,14). Sự kiện Giavê Thiên Chúa là cha đối với nhà Đavít cũng được nói tới trong các thánh vịnh vương quyền khác như thánh vịnh 2 và 110: “Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn, lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta." Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con. Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa. Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm." (Tv 2,6-9); “Đức Chúa phán bảo rằng: "Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con." (Tv 110,3).

“Lậy Thiên Chúa của con, núi đá cứu độ của con”: đây cũng là điều tác giả thánh vịnh 18 kêu lên Giavê: “Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” (Tv 18,3). Đây là thánh vịnh được gán cho vua Đavít. Đây là điều đã được nhà vua công khai nói lên trong lời cầu dâng lên Thiên Chúa: “Vua Đa-vít dâng lên Giavê những lời của bài ca này, vào ngày Giavê đã giải thoát vua khỏi bàn tay mọi kẻ thù của vua và khỏi bàn tay vua Sa-un. Vua nói:
"Lạy Giavê là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con” (2 Sm 22,1-2).

“Và Ta sẽ đặt nó như con đầu lòng”: tước hiệu này được truyền thống đệ nhị luật gán cho toàn dân Israel (Đnl 32,5-6); trong khi truyền thống tân ước chỉ gán cho Chúa Kitô mà thôi (Cl 1,15.48; Kh 1,5).

“Vị cao nhất trong các vua chúa trần gian”: lời sấm của ngôn sứ Nathan nói: “Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.” (2 Sm 7,9c).

“Nếu con cái nó bỏ luật của Ta… Nếu nó làm sự dữ”: vì lời sấm có tính cách tập thể, nên có thể xảy ra là một số các người kế vị sẽ không xứng đáng với các lời Thiên Chúa hứa với vua Đavít, và lịch sử đã chứng minh cho thấy sự thật này. Trong văn bản của ngôn sứ Nathan nó ám chỉ vua Salomon (2 Sm 1,14b). Nhưng ở đây nó vừa có ý nghĩa cá nhân vừa có ý nghĩa tập thể. Việc bỏ Luật Chúa là kiểu nói của các lời Thiên Chúa đe dọa chống lại dân bất trung (x. Lv 26,14; Đnl 28,15). Trong thánh vịnh 132 có kiểu nói tích cực hơn: “Giavê đã thề cùng vua Đa-vít và sẽ không thất tín bao giờ, thề rằng: "Chính con ruột của ngươi, Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng. Con cái ngươi mà giữ giao ước của Ta và mệnh lệnh Ta truyền cho chúng, thì con cái chúng đến muôn đời cũng sẽ được lên kế vị ngươi! " (Tv 132,11-12)

“Khi đó Ta sẽ phạt tội chúng với cây gậy và lỗi chúng với các tai ương”: đã là điều được báo trước trong lời sấm của ngôn sứ Nathan (“ 2 Sm 7,14b). Nếu Thiên Chúa có giữ lời Ngài đã hứa thì chính là vì sự thánh thiện, lòng tín trung và thương xót của Ngài đối với vua Đavít, chứ không phải vì cung cách sống tốt lành của các người kế vị hay của dân Israel. Chính vì vậy nên ngai báu nhà Đavít mới bền vững như mặt trăng và kéo dài như mặt trời.

Các câu 39 tới 52 của thánh vịnh 89 là lời than van gồm phần đầu, các câu 39-46 trình bầy trường hợp sự thất bại của một người kế vị vua Đavít với ngai vàng bị lật đổ, và phần hai, các câu 47-52 là lời xin Thiên Chúa duy trì các lời hứa xót thương đối với vua Đavít và dòng dõi vua.

”Thế mà nay Chúa lại khinh chê ruồng bỏ, nổi lôi đình với đấng Ngài đã xức dầu tấn phong; Chúa tiêu huỷ giao ước với người nghĩa bộc, quăng vương miện Người xuống đất đen. Mọi tường luỹ của Người, Chúa đều phá đổ, thành trì kiên cố cũng đập tan hoang. Người bị khách qua đường mạnh ai nấy cướp, bị hàng xóm láng giềng thoá mạ. Chúa nâng cao quyền thế bọn áp bức Người và cho mọi kẻ thù được hớn hở mừng vui. Mũi kiếm của Người, Chúa bắt quay ngược lại, chẳng độ trì Người trong buổi giao tranh. Chúa chấm dứt thời vàng son của Người, và lật đổ ngai rồng xuống đất. Chúa rút ngắn tuổi xuân Người lại, trút nỗi nhục nhằn xuống toàn thân. Đến bao giờ, lạy Chúa, Ngài còn lánh mặt? Ngài lánh mặt mãi sao? Đến bao giờ cơn giận còn cháy bừng như lửa? Xin nhớ rằng: đời con là một kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi! Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty? Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành? Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng.

Vâng, lạy Chúa, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong. Chúc tụng Chúa đến muôn đời. A-men. A-men.”

“Nhưng Chúa đã khưóc từ giao ước”: là tột đỉnh của lời than van. Trong khi nói chung các văn bàn kinh thánh khẳng định rằng chính dân Israel bẻ gẫy giao ưóc với Thiên Chúa, thì ở đây tác giả nói Thiên Chúa đã bẻ gẫy giao ước vợi họ. Mục đích là để kéo sự chú ý của Ngài trên cộng đoàn cầu nguyện. “Ném vương miện người xuống đất”:  chương 2 sách Ai Ca nói Thiên Chúa ném xuống bùn các vua chúa và hàng quyền quý của vương quốc Giuđa. “Đánh sập tường của nó”: ở đây là Giêrusalem thủ đô của vương quốc, và để cho người qua lại cướp bóc. Đó là dấu chỉ Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân được tuyển chọn như ruồng bỏ vườn nho của Ngài (Tv 83,13) vì thế heo rừng và dã thú gặm tan hoang, khiến cho Israel trở thành trò cười cho các dân láng giềng (Tv 44,14; 79,4; 80,7).

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.