2018-02-08 11:03:00

Sự hy sinh vì tương lai trẻ em mồ côi ở Israel của Sơ Rafaela Włodarczak


Hình ảnh một nữ tu mang đôi giày ống bằng mũ cao su, vác các thứ vật liệu xây dựng, những xà nhà bằng thép nặng trên vai để xây nhà là một điều khó có thể tượng tượng nổi, nhưng đó lại chính là hình ảnh thật của sơ Rafaela Wlodarczak người Ba lan, một nữ tu dòng thánh Elizabet, từ 50 năm qua đã gắn bó cuộc đời mình với các trẻ em nghèo, nạn nhân của chiến tranh. Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời của sơ Rafaela, những  tranh đấu để tương lai của các trẻ em mồ côi vì chiến tranh và các Kitô hữu Ả rập tại Thánh địa Israel được tốt hơn lại là câu chuyện đáng kinh ngạc hơn. Dù cho bao thử thách, gian lao và khó khăn, sơ Rafaela đã cố gắng xây dựng hai nhà cho các trẻ em, ở Giêrusalem và Bê lem, lãnh thổ của Palestine.

Sau cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và các nước Ả rập xung quanh vào năm 1967, nhiều trẻ em ở vùng đất này trở thành mồ côi. Các em bị bỏ rơi và sống trên đường phố hay trong các nghĩa trang, ăn các thứ tìm được trong thùng rác. Một số em có thể làm việc để đổi lấy thức ăn, nhưng lại bị kiệt sức vì công việc nặng quá sức của các em. Thế là các nữ tu Ba lan dòng thánh Elizabet đã quyết định chăm sóc cho các em. Sr Rafaela cùng với sơ Imelda Płotka bắt đầu gom các em từ các đường phố lại. Ban đầu căn nhà họ thuê chỉ có một số chỗ giới hạn cho các em. Để quyên góp tiền mua thức ăn cho các em, các sơ đã chơi đàn guitar và hát các bài hát tiếng Ba lan. Tuy vậy số tiền thu được chỉ vừa đủ để mua thức ăn, quần áo và dụng cụ học tập, không đủ để trả tiền thuê nhà. Chính lúc này Chúa đã tỏ sự quan phòng của Ngài. Khi các nữ tu đang quyên tiền trên đường phố, một chiếc xe Mercedes thật sang dừng lại trước họ. Một người đàn ông từ trên xe bước xuống, hỏi xem có phải các sơ đang chăm sóc cho các trẻ mồ côi không, rồi trao cho các sơ một phong bì có một ngàn đô la rồi rời đi.

Căn nhà mơ ước

Các sơ đã mơ về một căn nhà cho các em, nhưng nó dường như là điều không tưởng, cho đến khi có người dâng tặng một mảnh đất với một căn hầm. Đối với các sơ, đó là một nơi đẹp nhất trên thế giới: núi Cây Dầu nhìn xuống thành cổ Giêrusalem. Các sơ đã nộp đơn xin xây nhà, nhưng cả một thời gian dài chờ đợi vẫn không nhận được trả lời từ chính quyền. Các sơ đã bắt tay vào xây nhà trước khi được phép. Tuy nhiên, ở một vị trí bắt mắt như thế, việc xây nhà không phép không thể giữ kín được. Số phận của căn nhà, hoặc là bị tháo dỡ, hoặc được tiếp tục xây là do tòa án quyết định. Trước sự ngạc nhiên của các sơ, vị thẩm phán đã khẳng định rằng ông sẽ không cho phép tháo dỡ căn nhà, bởi vì các sơ và các trẻ em có quyền để sống trong căn nhà đó. Vị thẩm phán này đã phải trả giá cho quyết định của mình. Ông bị sa thải. Sau nhiều khó khăn, cuối cùng Ngôi nhà Hòa bình cũng được hoàn thành và ngày 8 tháng 12 năm 1967, Đức hồng y Jan Król của Philadelphia đã làm phép ngôi nhà và kể từ đây, hàng trăm trẻ em đã tìm được chốn cư ngụ.

Ngôi nhà hòa bình

Năm 2000, khi quân đội Israel cô lập thành Bêlem, các trẻ em ở đây bị đói. Các bà mẹ gọi điện xin các sơ đón các em về lại ngôi nhà ở Giêrusalem. Sơ Rafaela  và sơ Kryspina, cả hai đều trên 70 tuổi, đi bộ 30 cây số từ Giêrusalem đến Bêlem, tay cầm cờ Vatican và vác một thánh giá. Họ đã bị quân lính chặn không cho phép vào thành Bêlem dù đã giải thích mình đến để giúp các trẻ em đang bị chết đói. Cuối cùng, khi sơ Rafaela nhắc đến trại tập trung mà cha ông các người lính này đã trải qua và các trẻ em trong chiến tranh, quân lính đã cho phép các sơ vào thành Bêlem. Các sơ có 2 tiếng đồng hồ để tìm các em và đưa về lại Giêrusalem. Cách đây một ít năm, với sự trợ giúp của các ân nhân hảo tâm trên khắp thế giới, sơ Rafaela đã xây một căn nhà thứ hai cho các trẻ em ở Bêlem. Căn nhà năm ở gần bức tường bao quanh thành phố Bêlem. Sơ Rafaela chia sẻ: “Trong những năm này, chúng tôi đã cố gắng dạy các em điều quan trọng nhất trong cuộc sống là có thể tha thứ, dù cho đó là điều gì. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm. Một số đã lập gia đình. Tôi hy vọng rằng họ sẽ mang ánh sáng vào trong cuộc sống của người dân.” (Aleteia Jan 11, 2018 )

Hồng Thủy








All the contents on this site are copyrighted ©.