2018-05-24 13:49:00

Hội Nhi đồng truyền giáo: trẻ em nước giàu giúp cho trẻ em các nước nghèo


“Với sự ra đời của Hội Thánh Nhi, một hình thức sứ vụ mới cũng được hình thành. Sứ vụ này đặt ân sủng của bí tích rửa tội ở trung tâm, vì đây là nguồn mạch phát sinh nghĩa vụ truyền giáo của mọi Kitô hữu. Các em thiếu nhi cũng có quyền nhận sứ vụ này cũng như có quyền trao tặng sứ vụ này. Đây là lần đầu tiên trong Giáo hội, các thiếu nhi trở thành những người truyền giáo, đóng vai chính trong việc mục vụ, bằng sự đơn sơ khiêm nhường của các em. 175 năm từ khi ra đời, Hội Thánh Nhi thực hiện sứ vụ cứu vớt các trẻ em nhờ chính các trẻ em.” Đó là những lời mà sơ Roberta Tremarelli, Tổng thư ký của Hội nhi đồng truyền giáo, hậu thân của Hội Thánh Nhi, đã nói về Hội này nhân dịp kỷ niệm 175 năm thành lập.

Hội Thánh Nhi do Đức cha Charles de Forbin Janson thành lập. Tên của hội diễn tả ý muốn của Đức cha, là phó thác hội cho sự bảo vệ của Chúa Giêsu Hài đồng. Đức cha Charles de Forbin Janson sinh ra trong một gia đình Công giáo quý tộc, lớn lên trong bầu khí gia đình tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa và trung thành với Đức Giáo hoàng và Giáo hội. Ngay từ khi còn thơ bé, Janson đã quan tâm đến người nghèo khổ và các bạn bè xung quanh. Năm 18 tuổi, Janson gia nhập Học viên quân đội và sau đó tiếp tục việc học tại Paris. Khi Napoleon trở thành hoàng đế nước Pháp, Giáo hội gặp khó khăn với sự chống đối Giáo hội và bài giáo sĩ. Chính lúc này, Janson đã từ chối vị trí thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia do chính hoàng đế Napoleon bổ nhiệm và quyết định trở thành linh mục để phục vụ Chúa và Giáo hội, đặc biệt là để bênh vực Đức Giáo hoàng, để tái truyền giảng đức tin cho nước Pháp, lúc này đang chống giáo sĩ, và truyền giảng Tin mừng cho thế giới.

Trong thời học chủng viện, thầy Janson thường đến nhà nguyện của Hội Thừa sai Paris và thầy đã quen biết với các thừa sai. Thầy Janson đã nghe các thừa sai kể về hoạt động của họ tại Trung hoa và về hàng ngàn trẻ em mà các linh mục và nữ tu đón nhận, chăm sóc, giáo dục, và rửa tội và dạy các em sống các giá trị Kitô giáo. Trong thời gian rảnh rỗi, thầy Janson dạy giáo lý cho các thiếu nhi tại giáo xứ và dạy các em cầu nguyện. Thầy Janson cảm thấy mình thật may mắn khi được cha mẹ dạy dỗ trong nền giáo dục Công giáo. Do đó thầy không ngừng nghĩ về các trẻ em không được lớn lên trong đức tin, nghĩ đến các em bé ở Trung hoa không được ai dạy biết về Chúa. Tinh thần truyền giáo của thầy Janson càng được thêm củng cố sau khi thầy được thụ phong linh mục. Năm 38 tuổi, cha Janson được bổ nhiệm làm giám mục Nancy và ngay lập tức, cha bắt đầu tổ chức các buổi tĩnh tâm và hoạt động truyền giáo tại tất cả các giáo xứ trong giáo phận. Cha đã quảng đại phân phát các tài sản của gia đình mình và chỉ giữ lại cho chính mình những gì thật thiết yếu.

Một ngày kia, khi Đức cha Janson vắng mặt ở giáo phận vì công việc mục vụ, nhóm chống giáo sĩ đã cướp phá chủng viện và ngăn cản ngài trở về lại Nancy. Thế là thời gian lưu đày đau buồn của Đức cha Janson bắt đầu. Tuy thế, trong thời gian này ngài tiếp tục suy nghĩ về các nhà truyền giáo và các trẻ em ở Trung hoa. Sau 3 năm truyền giáo tại Bắc mỹ, Đức cha Janson trở về Pháp và tại thành phố Lyon, cha đã gặp bà Pauline Jaricot, sáng lập viên của Hội Truyền bá đức tin. Đức cha Janson đã kể với bà Jaricot các thao thức của ngài. Đức cha là một trong những giám mục Pháp đầu tiên thành lập tại giáo phận của mình tổ chức của Hội truyền bá đức tin và khuyến khích các linh mục và giáo dân nâng đỡ việc truyền giáo qua hoạt động này.

Đức cha Janson đã gặp bà Jaricot lần thứ hai và ngài đã quyết định bắt đầu một hiệp hội mới. Những gì mà bà Jaricot tổ chức cho người lớn ở Pháp, thì Đức cha Janson đã tổ chức cho các trẻ em tại Pháp và trên toàn châu Âu. Ngài rất vui mừng vì các trẻ em có thể giúp đỡ cho các thiếu nhi nghèo khổ, là những anh chị em của mình, không chỉ các trẻ em ở Trung hoa, nhưng tất cả các miền truyền giáo trên thế giới. Sáng kiến này có một lợi ích kép: giúp đỡ vật chất và tinh thần cho trẻ em các xứ truyền giáo và giúp các em ở châu Âu khám phá nhân đức bác ái đối với người khác. Theo gợi ý của bà Jaricot, đức cha Janson nghĩ đến những điều đơn giản và nho nhỏ có thể giúp các thiếu nhi nên thánh. Đó là một lời cầu nguyện ngắn hàng ngày và một hy sinh nhỏ mỗi tháng. Chính qua hai công cụ truyền giáo này mà các thiếu nhi trên thế giới có thể liên kết với nhau.

Ngày 19 tháng 5 năm 1843, Hội Thánh Nhi ra đời. Hội Thánh Nhi đã gây ý thức cho các trẻ em ở châu Âu về những nhu cầu thiếu thốn, sự nghèo khổ của các trẻ em khác, với một chiều kích mới của ý thức truyền giáo: trao chuyển một sự quan tâm và con tim truyền giáo ngay từ thời thơ ấu. Ngày nay, Hội đã được thành lập tại hơn 150 quốc gia khác nhau. Qua trụ sở của văn phòng Tổng Thư ký quốc tế tại Roma, cạnh Bộ truyền giáo, các dâng cúng nhận được từ các miền trên thế giới được dùng để hỗ trợ cho hàng ngàn dự án tương trợ, giúp cho các trẻ em tại 5 châu, với mục đích cung cấp cho các em những công cụ cần thiết để có thể sống một cuộc sống với phẩm giá, về thể lý cũng như tinh thần. Các lĩnh vực dấn thân của hội nhi đồng là linh hoạt và đào tạo Kitô giáo và truyền giáo, mục vụ cho trẻ em, giáo dục trước khi các em đến trường và trong thời gian các em theo học, bảo vệ sự sống.”

Trên toàn thế giới, Hội Nhi đồng truyền giáo đang giúp đỡ cho khoảng 20 triệu trẻ em. Năm 2017, qua Quỹ Tương trợ toàn cầu được hình thành nhờ sự đóng góp của các em thiếu nhi trên toàn thế giới, Hội đã tài trợ cho 2834 dự án, với tổng số tiền lên đến 17 triệu 431 ngàn 260 đô la. Ví dụ tại Liban, một trường học được xây dựng cho các học sinh thuộc những bối cảnh xã hội và tôn giáo khác nhau. Sự hiện diện của một trường Công giáo tại một đất nước bị xung đột bởi chiến tranh và khủng bố là một dấu chỉ quan trọng của việc đối thoại và bác ái không phân biệt.  

Theo sơ Roberta Tremarelli, cũng qua hoạt động của Hôi Nhi đồng truyền giáo, Giáo hội đặt tình mẫu tử của mình trong việc phục vụ các trẻ em và gia đình của các em khi chăm sóc cho các em như Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “đến gần để chạm đến, để nắm lấy các em và mang các em đến nơi có phẩm giá của các em, giúp các em bước đi bằng chính đôi chân của mình. Hãy giúp các em để các em được trả lại với cuộc sống hàng ngày. Hãy chăm sóc cho các em để các em có thể hội nhập vào xã hội.” (Fides 18/05/2018)

Hồng Thủy








All the contents on this site are copyrighted ©.