2006-03-17 17:20:16

Trở thành của lễ sát tế vì tình yêu như Chúa Giêsu


Trong phụng do thái có một ngày lễ lớn rất quan trọng đó là lễ ”Yôm Kippur” tức Ngày Xá Tội hay Ngày Đại Xá. Trong tiếng do thái từ ”Kippour” phát xuất từ từ ”kipper” là tiền chuộc mạng. Ngày Xá Tội được cử hành vào ngày mùng 10 tháng Tishri, tức tháng thứ bẩy trong lịch do thái. Vào ngày đó người ta thổi kèn Shofar làm bằng sừng chiên đực ra hiệu tu tập dân chúng và bắt đầu ngày chay tịnh ăn năn sám hối tội lỗi.

Lý do người Do thái làm kèn Shofar bằng cừu chiên đực để ra hiệu lệnh trong các ngày lễ lớn như ”Yôm Kippur” Ngày Xá Tội và ”Năm Toàn Xá” Jubileum, liên quan tới câu chuyện tổ phụ Abraham sát tế Igiaác cho Giavê Thiên Chúa. Vì muốn thanh tẩy lòng tin của tổ phụ Abraham, Giavê Thiên Chúa thử ông bằng cách ra lệnh cho ông sát tế Igiaác, đứa con nối dõi tông đường duy nhất, cho Ngài. Tổ phụ Abraham tuân hành ý muốn của Thiên Chúa với tâm tình hoàn toàn phó thác cho sự định liệu của Ngài. Nhưng khi ông cầm dao định sát tế Igiaác cho Thiên Chúa làm của lễ toàn thiêu, thì sứ thần Chúa gọi và ra lệnh cho ông đừng giết con mình. Thiên Chúa chỉ muốn thử lòng tin yêu phó thác của ông đối với Ngài, để thanh luyện ông, để giúp ông có lòng tin tinh tuyền mạnh mẽ, từ bỏ tâm thức và cung cách suy tư của con người trần gian để có cái nhìn và cung cách suy tư hành xử như Chúa. Thiên Chúa muốn ông sát tế ý muốn nhân loại của ông, để hoàn toàn đi theo ý muốn của Ngài. Từ nay chỉ có lòng tin tinh tuyền ấy mới là nền tảng cho dân riêng, mà Thiên Chúa muốn làm nảy sinh từ hai thân cây khô cằn, là hai ông bà tổ phụ Abraham và Sarah.

Tổ phụ Abraham quay lại đàng sau thấy một con chiên đực mắc sừng trong bụi cây, nên bắt lấy con chiên tế lễ thay cho Igiaác. Từ đó dân Do thái có thói quen làm kèn Shofar bằng sừng chiên đực để thổi ra hiệu lệnh cho Ngày Xá Tội và Năm Toàn Xá, trong tinh thần ăn năn sám hối, xin tha tội và đền tội.

Cuộc sát tế Igiaác là hình ảnh diễn tả trước cuộc sát tế của Đức Giêsu Kitô. Chỉ khác một điều là ở đây Thiên Chúa Cha đã không cứu Đức Giêsu Kitô Con mình, mà phó thác Người cho nhân loại, chấp nhận mất Con Yêu Dấu, để cho Người bị giết chết làm của lễ đền tội thay cho toàn nhân loại. Trong chương 8 thư gửi tín hữu Roma thánh Phaolô thấy Ngày Xá Tội đích thật đã tới với biến cố Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa bị sát tế trên thập giá như chiên con vượt qua bị sát tế và máu được bôi trên cửa nhà của dân Do thái xưa kia bên Ai Cập, như dấu chỉ của ơn cứu độ. Vì xác tín như thế thánh Phaolô mới đưa ra các lý luận như sau: Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ để cho Con Một Ngài chết cho chúng ta, thì Ngài sẽ lại không ban ơn cứu độ và tất cả những gì cần thiết giúp chúng ta đạt ơn cứu độ hay sao? Ai có thể tố cáo chúng ta nếu chính Thiên Chúa đã xá tội cho chúng ta và bênh đỡ chúng ta? Lẽ nào Chúa Kitô sẽ lại lên án chúng ta, khi chính Người đã chết và sống lại vì chúng ta, lại còn ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để bầu cử cho chúng ta? Ai đã cho chúng ta cái nhiều hơn, thì sẽ không thể khước từ chúng ta cái ít hơn.

Qua đó, thánh Phaolô loan báo cho chúng ta biết tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa đối với con người. Qủa thật Thiên Chúa là Tình Yêu như thánh Gioan sẽ khẳng định rõ ràng sau này trong thư thứ I: ”Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,8-10).

Như thế chúng ta đã được sinh ra trong tình yêu sát tế của Đức Giêsu Kitô để trở thành con cái Thiên Chúa. Vì thế ơn gọi của kitô hữu là sống yêu thương, noi gương Chúa Giêsu biến toàn cuộc đời mình trở thành của lễ sát tế vì tình yêu. Trong dòng lịch sử Giáo Hội đã có nhiều kitô hữu phải thực sự đổ máu mình ra và mất mạng sống vì lòng tin cậy mến. Đa số còn lại không được phúc tử đạo vì Chúa, nhưng vẫn có thể trở thành của lễ sát tế vì tình yêu mỗi ngày, khi hiến dâng tất cả cho Chúa, kết hiệp mọi biến cố, mọi khổ đau trong đời với các khổ đau của Chúa Giêsu để làm của lễ đền tội cho chính mình và cho toàn thế giới. Đó là của lễ sát tế không đổ máu, một cuộc hy sinh hiến tế liên lỉ mỗi ngày trong chức vị, nhiệm vụ và môi trường sống của từng người. Sống được như thế là chúng ta cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu rỗi.

Lậy Chúa, xin giúp chúng con biết biến cuộc sống mỗi ngày trở thành của lễ sát tế vì tình yêu để góp phần cứu độ thế giới.

 
Linh Tiến Khải 







All the contents on this site are copyrighted ©.